KTĐT - Cơ hội từ giờ tới cuối năm của giới đầu tư bất động sản xem ra chỉ còn trông cậy vào bản Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội.
Trái ngược với sự bùng nổ của thị trường vào tháng 9/2009, thời điểm này của năm 2010 lại chỉ là sự trầm lắng trên thị trường bất động sản. Các chuyên gia cũng như những nhà kinh doanh, đầu tư bất động sản nhận định, cảnh chen lấn để xếp hàng mua nhà như năm ngoái khó có thể xuất hiện trở lại.
Tuy thị trường giao dịch ảm đạm nhưng trong 2 tháng trở lại đây, giá nhà đất lại không giảm nhiều. Theo kết quả khảo sát của CBRE Việt Nam, trên thị trường thứ cấp, giá chào bán căn hộ chung cư khá ổn định với mức tăng - giảm vào khoảng 1 - 2,5% so với quý II/2010.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu và tư vấn Savills, Hà Nội hiện có khoảng 8.200 biệt thự và 11.400 nhà liền kề tại 11 quận và 1 khu vực (Láng - Hòa Lạc). Tất cả các dự án khác đã được mua hết (số thửa đất đã được chào bán) trước quý III/2010. Điều đáng nói là người dân nhìn chung thường thích sống tại nhà ở gắn liền với đất, đặc biệt là những ngôi nhà mà ô tô có thể vào được. Điều này khiến cho nguồn cầu của phân khúc thị trường biệt thự và nhà liền kề luôn ở mức rất cao. Do đó, giới đầu tư thường đánh giá, biệt thự, nhà liền kề là kênh đầu tư tốt, đặc biệt là trong dài hạn.
Tuy gắn việc sụt giảm của thị trường với Nghị định 71/CP nhưng các chuyên gia của CBRE cũng nhìn nhận, văn bản này có hiệu lực đã có những tác động tích cực lên thị trường như tăng cường tính minh bạch, gây sức ép lên chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, giảm nguy cơ bong bóng giá và giảm hiệu ứng đầu cơ. Vì vậy, thị trường nhà ở sẽ có triển vọng phát triển tốt trong tương lai. Các dự án chào bán mới sẽ dần có mức giá cả phải chăng hơn.
Từ tháng 8/2010, giới đầu tư rất trông chờ việc thông tuyến, đưa vào hoạt động nhiều tuyến đường lớn ở khu phía Tây như đường Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long, đường 32... sẽ khuấy động không khí thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất khu vực bám dọc trục Lê Văn Lương kéo dài (thuộc quận Hà Đông) có biến động nhẹ về giá, còn các khu đô thị lớn dọc đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long, đường 32 (thuộc các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng) vẫn đứng giá với số lượng giao dịch kém sôi động. Có thể nói, thị trường chỉ biến động cục bộ trong phạm vi hẹp, còn xét trên bình diện chung, bức tranh giao dịch vẫn rất ảm đạm.
Giới chuyên môn dự báo, từ nay tới cuối năm 2010, cơ hội cuối cùng cho thị trường “vùng lên” chỉ còn đặt ở Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Điểm đáng chú ý nhất của bản quy hoạch được giới đầu tư theo dõi chặt là số phận các dự án bất động sản ngoài đường vành đai 4 và liệu trục Hồ Tây – Ba Vì có còn tồn tại trong đồ án. Hàng trăm dự án cũng sẽ được giải thoát vì đang vướng Trục, vướng vành đai xanh, vướng quy hoạch phân vùng..vv. Bản Quy hoạch rõ nét, tiềm năng của các khu vực được quy hoạch chi tiết cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư.