Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường ca nhạc cuối năm: Ồn ào dù thiếu “lãi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường ca hát cuối năm đã bắt đầu “vào vụ” khi các liveshow thi nhau xếp chỗ tại các tụ điểm lớn để trình diện người hâm mộ. Lạ là toàn những tên tuổi đã được “định danh” với những đêm nhạc được đầu tư tiền tỷ, dù ca sĩ cầm chắc “lỗ” trong tay...

 Làng biểu diễn trong nước đã bắt “nóng” từ cuối tháng 10 với liveshow “Mùa thu của Phương” diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đây là một show ca nhạc được đánh giá là giàu tâm tư và tâm sức khi “tải” tới hơn 30 ca khúc mang nặng nỗi lòng của ca sĩ với mảnh đất quê hương. Liền sau Thu Phương là liveshow mở màn cho chuỗi lưu diễn xuyên Việt của giọng ca “nhạc vàng” Chế Linh; rồi đến lượt Bằng Kiều, Cẩm Ly, Minh Tuyết, Mỹ Tâm, Tùng Dương… thay nhau trình diện bằng các đêm nhạc cá nhân thể hiện sự tri ân với khán giả.
Một ca khúc trong Liveshow  “Mùa thu của Phương”.
Một ca khúc trong Liveshow “Mùa thu của Phương”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự mở màn cho mùa liveshow cuối năm này. Bởi nhìn vào lịch diễn tại các tụ điểm lớn trong thành phố như Nhà hát Lớn, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội… còn rất nhiều chương trình xếp hàng chờ “nổ”. Có thể kể liveshow “Người đàn bà yêu” của diva Thanh Lam dự kiến diễn ra vào 2 đêm 29 và 30/11; đêm tác giả – tác phẩm mang chủ đề “Cánh cung” của nhạc sĩ Đỗ Bảo vào 8/12; liveshow “Quyên” của Lệ Quyên vào 7/12 tại TP Hồ Chí Minh và 14/12 tại Hà Nội; chương trình “In the Spotlight” số 8 mang chủ đề “Giai điệu Tổ quốc” vào 13/12; rồi liveshow của “Bống” Hồng Nhung vào 20 và 21/12; “Dạ tiệc trắng” của Đàm Vĩnh Hưng vào 24 và 25/12… Đáng nói nhất là ban nhạc Anh em cũng rộn ràng trình làng liveshow đầu tiên sau hơn 20 năm định hình một phong cách trong làng biểu diễn nội.

Nhìn vào các đêm nhạc đã diễn ra lẫn những đêm đang chờ đến lượt, dễ thấy một sự “chịu chơi” của ca sĩ giữa thời khủng hoảng kinh tế. Điển hình như liveshow của ban nhạc Anh em không “màng” đến nhà tài trợ; liveshow của Lệ Quyên chấp nhận bỏ ra tới 7 tỷ đồng “không phải vì lợi ích kinh tế” (lời của ca sĩ); “Dạ tiệc trắng” của Đàm Vĩnh Hưng mỗi dịp Noel đã quen với sự sang trọng… Không quá khi nói tới 90% các liveshow “nổ” đợt này đều nhằm mục đích đánh dấu chặng đường ca hát của ca sĩ, hoặc để “khoe” sản phẩm mới (Thanh Lam kỷ niệm 25 năm đi hát, Lệ Quyên kỷ niệm 15 năm đứng trên sân khấu, Tùng Dương khoe album “Độc đạo”…). Nhân vật chính của các đêm nhạc cũng lường trước khả năng “lỗ” có thể xảy ra, song vẫn “cắn răng” thực hiện. Có cảm giác như một cuộc đua ngầm để khẳng định đẳng cấp đang diễn ra giữa các giọng ca đã được định danh trong làng ca hát.

Quả thật, việc tổ chức liveshow bấy lâu nay vẫn là một áp lực vô hình đối với những ca sĩ đã có tên tuổi. Áp lực ấy khiến ca sĩ phải chạy đua trong thị trường, phải chấp nhận không lợi nhuận để nhắc lại tên mình trong trí nhớ khán giả, phải tìm cho được cá tính và những điều mới trong âm nhạc mà họ đang nắm giữ. Và làm liveshow là cách mà xưa nay ca sĩ vẫn chọn. Song có điều một liveshow không có gì mới mẻ lại sẽ vô tình khiến khán giả nhận ra sự “dậm chân tại chỗ” đến nhàm chán của ca sĩ, dù ca sĩ có bỏ ra tiền tỷ để “đánh bóng tên tuổi” mình.