Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh cao mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đồng đôla tăng giá trở lại sau ba ngày lao dốc liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải xem xét lại cơ cấu tài sản.

KTĐT - Đồng đôla tăng giá trở lại sau ba ngày lao dốc liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải xem xét lại cơ cấu tài sản.

Chứng khoán thế giới, đặc biệt tại Mỹ, diễn biến khá phức tạp trong phiên giao dịch ngày 17/11. Hưởng lợi nhiều nhất là các cổ phiếu năng lượng và khai mỏ khi giá kim loại trên thị trường quốc tế đồng loạt tăng.

Hầu hết các chỉ số quan trọng của chứng khoán Mỹ đều tăng trong phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp và đồng loạt chạm đỉnh của 13 tháng qua. Tuy nhiên, trên cả hai sàn NYSE và Nasdaq, chứng khoán tiếp tục chạy theo đường dích dắc trong phần lớn thời gian giao dịch trước những thông tin nhiều chiều từ ngành công nghiệp và bán lẻ. Màu đỏ chiếm ưu thế cho thấy số cổ phiếu mất giá cao hơn hẳn so với lượng tăng.

Đồng đôla tăng giá trở lại sau ba ngày lao dốc liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải xem xét lại cơ cấu tài sản. Lượng giao dịch chưa thể tăng mạnh do tâm lý chờ đợi biến động trên thị trường.

Trong suốt 8 tháng, đồng đôla duy trì trạng thái yếu vừa qua, hưởng lợi nhiều nhất là các nhà đầu tư vào kim loại quý cũng như nắm giữ cổ phiếu của các công ty xuất khẩu Mỹ. Việc lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ở mức thấp kỷ lục cũng khiến cho các kênh đầu tư này có thêm sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, những báo cáo gần đây của giới chức Mỹ cho thấy tăng trưởng trong ngành bán lẻ trong thời gian qua khá khả quan. Đây là lời đáp tương đối thỏa mãn dành cho giới đầu tư khi trả lời được câu hỏi lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay: Tiêu dùng có thể tăng trưởng trở lại hay không? Cổ phiếu của ngành này lập tức đi lên bất chấp những cảnh báo của giới phân tích cho thấy khả năng mua sắm vào cuối năm nay của người dân Mỹ vẫn rất hạn chế.

Trong khi ngành bán lẻ cho thấy dấu hiệu khả quan thì số liệu mới nhất về ngành công nghiệp mới được FED công bố lại tạo ra áp lực không tốt lên thị trường chứng khoán Mỹ. Cục dự trữ liên bang cho biết tổng sản lượng công nghiệp của các nhà máy quốc doanh, các công ty khai mỏ và công cụ Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 10. Mức kỳ vọng trước đó là 0,4% được Thomson Reuters đưa ra.

Những tác động nhiều chiều kể trên cùng với việc tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 vừa qua được kiềm chế ở mức 0,3% đã giúp chỉ số Dow Jones tăng 30,46 điểm (0,3%), đạt 10.437,42 điểm, cao nhất kể từ ngày 2/10/2008. Trong khi đó Standard & Poor's 500 và Nasdaq cũng đồng loạt tăng với mức 0,1% và 0,3%, lần lượt đạt 1.110,32 và 2.203,78 điểm.

Tuy nhiên, tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York NYSE, cứ 8 cổ phiếu mất điểm mới có 7 mã tăng điểm. Lượng giao dịch cũng chỉ đạt 972 triệu cổ phiếu so với mức 1,1 tỷ vào ngày 16/11.

Với việc đạt đỉnh mới trong ngày 17/11, Dow Jones đã tăng 725 điểm (7,5%) trong tháng này. Tính trong cả năm, chỉ số này đã tăng tới 18,9%. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, mức tăng trưởng này có thể không bền do tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao.

Bỏ qua những tín hiệu lạc quan của ngành bán lẻ Mỹ, việc công nghiệp nước này không đạt mức kỳ vọng đã tác động xấu tới các thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 0,7%, DAX của Đức mất 0,5%, trong khi chỉ số CAC-40 của thị trường chứng khoán Pháp thậm chí giảm tới 0,9%.

Ngược lại, tin buồn cho công nghiệp nặng Mỹ lại là dấu hiệu tốt cho các đối thủ tại châu Á. Cổ phiếu của BHP Billiton, hãng khai mỏ lớn nhất thế giới của Australia tăng 1,2% trong phiên giao dịch sáng 18/11. Chỉ số MSCI Asia Paciffic cũng tăng 0,2% đạt 118,86 điểm vào cuối giờ sáng tại Tokyo. Tuy nhiên, kinh tế Nhật lại cho thấy dấu hiệu cộng hưởng với ngành công nghiệp Mỹ khi chỉ số Nikkei giảm nhẹ 0,1%.