Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán năm 2022: Nhìn lại và kỳ vọng

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 là một năm đầy sóng gió của thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta. Nhưng khó khăn rồi sẽ qua đi và chúng ta vẫn cứ kỳ vọng.

Thực tiễn đang đòi hỏi TTCK cần hoạt động an toàn hơn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và cung cấp cho nhà đầu tư một kênh tìm kiếm lợi nhuận cần nhiều tư duy hơn chứ không phải “đỏ đen”.

“Vui hay buồn” đã được thị trường thực chứng

Nếu như năm 2021 TTCK toàn cầu đầy sắc xanh thì bắt đầu cuối quý I/2022 đến nay quay sang xu hướng nhiều sắc đỏ. So với đầu năm, tính đến phiên 15/12 chỉ số Dow Jone giảm 7,16%, S&P giảm 16,70%, FTSE100 (Anh) giảm 0,12%, DAX (Đức) giảm 9,74%, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 3,91%, Hang Seng (Hongkong) giảm 15,47%, KOSPI (Hàn Quốc) giảm 19,72% và Shanghai (Trung Quốc) giảm 12,55%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 chứng kiến nhiều phiên giao dịch sóng gió. Ảnh: Phạm Hùng
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 chứng kiến nhiều phiên giao dịch sóng gió. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi 3 chỉ số chính của TTCK Việt Nam là VN-Index xuống còn 1.055,32 điểm, giảm 29,57 %, HNX-Index còn 212,95 điểm, giảm 55,51% và UpCoM còn 72,59 điểm, giảm 35,56%. Như vậy TTCK Việt Nam được đánh giá tăng nhanh nhất trong năm 2021 thì nay bị giảm nhanh nhất trong năm 2022. Sự bùng nổ của TTCK nước ta trong năm 2021 đã được các chuyên gia đặt dấu hỏi nghi ngờ, rằng mừng hay lo?

Năm 2021, TTCK nhiều nước như Mỹ và châu Âu tăng khá mạnh do các nền kinh tế này có sự kích thích từ những gói tài khóa khổng lồ hồi phục kinh tế hậu dịch Covid-19. Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chưa được kích thích bởi gói tài khóa này nhưng TTCK trong nước lại bùng nổ dữ dội. Tốc độ tăng của các chỉ số chứng khoán đã vượt quá xa chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế thực và tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết.

Thời điểm đó, người người mở tài khoản “chơi” chứng khoán, nhiều DN dồn tiền đầu tư cổ phiếu kiếm lời hơn là lo đầu tư sản xuất. Nhiều đối tượng cơ hội đã thừa dịp lợi dụng TTCK để phục vụ mục đích thao túng, lừa đảo và kiếm lợi.

TTCK Việt Nam bùng nổ khá lạ lẫm trong năm 2021 thì cũng bị giảm thê thảm trong năm 2022. Năm 2022 các nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhưng chỉ số chứng khoán của họ chỉ bị giảm nhất định như đề cập ở trên. Trong khi lạm phát ở nước ta được kiềm chế, kinh tế hồi phục khởi sắc nhưng chỉ số chứng khoán lại giảm một cách tệ hại. Sự giảm này không theo xu hướng của TTCK thế giới.

Sự kiện sóng gió liên tục từ đầu năm

Có lẽ vụ Trịnh Văn Quyết bị phát hiện bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào phiên 10/1 và vụ ngày 28/1 Công ty Sao Việt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh với mức giá trúng thầu 2,45 tỷ đồng/m2 là dấu mốc hay “điềm” báo hiệu mùa xuân buồn cho TTCK trong năm 2022. Đúng như vậy, tiếp đến ngày 20/4 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thao túng TTCK tại Công ty CP Trí Việt và Công ty CP Louis Hodings.

Sự kiện Tập đoàn Tân Hoàng Minh tưởng rằng chỉ câu chuyện bỏ cọc đấu giá rồi mất số tiền cọc 600 tỷ đồng. Số tiền rất lớn nhưng so với tài sản của một tập đoàn bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh thì chưa phải gì ghê gớm lắm. Nhưng câu hỏi nghi ngờ nguồn tiền đâu để thanh toán với mức giá đất đến 2,45 tỷ đồng/m2 lại phát ra câu chuyện phát hành trái phiếu “chui”. Ngày 5/4 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lệnh bắt Chủ tịch Tập đoàn này là Đỗ Anh Dũng.

Như thông tin đã đưa, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 Tân Hoàng Minh đã sử dụng 3 công ty con phát hành trái phiếu trái quy định của pháp luật gồm 9 đợt, tổng giá trị 10.300 tỷ đồng. Đối với vụ án Trịnh Văn Quyết, tội phạm không chỉ bán “chui” cổ phiếu FLC mà từ năm 2015 - 2016 Tập đoàn FLC cùng các công ty trong hệ sinh thái nâng khống vốn điều lệ, in cổ phiếu lừa đảo nhà đầu tư bán thu lợi 6.400 tỷ đồng.

Tương tự như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngày 7/11 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông. Như thông tin đã đưa, từ năm 2018 - 2019, Tập đoàn này đã phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.

Điểm chung thứ nhất của các sự kiện tiêu cực nói trên là mức độ trầm trọng, chuyển thành các vụ án hình sự. Điểm chung thứ hai là nó xảy ra trong thời gian dài từ trước đây chứ không phải mới nảy sinh trong năm 2022. Điểm chung thứ ba dễ nhận thấy là có nguyên nhân thiếu kiểm soát, thả lỏng giám sát của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong guồng máy quản lý TTCK. Riêng đối với sai phạm trong phát hành trái phiếu còn có sự lỏng lẻo trong quy định điều kiện phát hành, nhiệm vụ giám sát phát hành và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ổn định thị trường để sớm phát triển bền vững

Thực tế TTCK nước ta không phải là cạn tiền, thiếu hàng, mà thiếu niềm tin của nhà đầu tư. Cho nên nói ổn định TTCK trước hết là ổn định niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần phân biệt nhà đầu tư chân chính và nhà đầu tư thao túng hay nhà đầu tư canh bạc trên thị trường cổ phiếu. Chừng nào pháp luật và trách nhiệm giám sát thị trường chưa đủ chặt và nghiêm minh thì TTCK chưa có cơ hội ổn định để phát triển một cách bền vững.

Không phải một số công ty hay cổ phiếu đã được phanh phui trong năm 2022 là thị trường đã an toàn và rồi sẽ ổn định lại. Thực chất tình trạng thao túng cổ phiếu trên TTCK nước ta không phải hiện tượng mà có tính phổ biến. Làm gì có chuyện một cổ phiếu tăng giá trần đến năm, bảy phiên, thậm chí hàng chục phiên liên tục trong khi lợi nhuận lèo tèo hoặc có khi thua lỗ. Câu chuyện một cổ phiếu tính đến ngày 22/9 tăng giá 6.133% so với đầu năm có lẽ chỉ xuất hiện tại TTCK Việt Nam.

Trên thị trường cổ phiếu, khi thiếu niềm tin của nhà đầu tư bởi thị trường vẫn luôn biến động cao, biến động không chỉ giữa các phiên mà biến động liên tục trong từng mốc thời gian của một phiên. Dao động chỉ số giá trong từng phiên biến động mạnh, luôn đổi chiều với khoảng biên độ vài ba chục điểm của chỉ số VN-Index hay chỉ số VN30 cho thấy thị trường đầy rủi ro. Tình trạng nhà đầu tư luôn thường trực tâm lý bán tháo, nhưng cũng thường trực tâm lý chờ bắt đáy.

Trên thị trường trái phiếu, có lẽ khi và chỉ khi quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu hiện hữu được bảo vệ mới lấy lại được niềm tin của thị trường. Được biết, Bộ Tài chính vừa có 4 đề xuất nhằm “cứu” thị trường trái phiếu. Cụ thể là lùi lại thời gian hiệu lực về thực hiện quy định như nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu đến đầu năm 2024, cho phép DN được gia hạn thời gian trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm. Những đề xuất đó còn cần kiểm nghiệm tác dụng trong thực thế (nếu được thực hiện) song phải nhìn nhận, đây là giải pháp tình thế và niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân không dễ lấy lại trong ngày một, ngày hai.