Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường cuối năm: Canh cánh những nỗi lo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm cũ, sang năm mới, thị trường hàng hóa Tết bắt đầu nóng lên. Tuy nhiên Tết này, cả cơ quan quản lý và người dân vẫn có hai nỗi lo: giá hàng hóa trên thị trường,

KTĐT - Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm cũ, sang năm mới, thị trường hàng hóa Tết bắt đầu nóng lên. Tuy nhiên Tết này, cả cơ quan quản lý và người dân vẫn có hai nỗi lo: giá hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là hàng tiêu dùng đang nóng dần với đà tăng giá dây chuyền; và tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm dễ gia tăng.

Tăng giá nhưng sẽ không sốt giá

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã tăng gần 4% so với cùng kỳ của năm ngoái. Nếu tính bình quân so với cùng kỳ năm ngoái thì mặt bằng giá năm nay đã cao hơn khoảng 7,6%. Từ nay đến Tết Nguyên đán, còn nhiều sức ép tăng giá và chắc chắn việc bình ổn giá cả  thị trường sẽ không dễ dàng. Có thể thấy ngay, những sức ép tăng giá như được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố: Tỷ giá USD cao, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển nhích lên do giá xăng dầu tăng... Việc giải ngân gói kích cầu trong những tháng còn lại của năm 2009 cùng với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết tăng cao... cũng đã và sẽ góp phần làm cho giá cả hàng hóa tăng thêm. Quan sát thị trường trong một vài tuần gần đây có thể thấy, đã có thêm nhiều mặt hàng như hàng nhựa gia dụng, sữa và nhiều loại thực phẩm chế biến... tăng giá. Một số nhà cung cấp đồ nhựa gia dụng, nước giải khát, thực phẩm chế biến đông lạnh... đề xuất mức tăng 5-10%, riêng đồ nhựa gia dụng tăng 15%. Hầu hết nhóm hàng nhập khẩu như bánh kẹo, nước giải khát, đồ hộp, văn phòng phẩm... mức tăng từ 5-10%. Nguyên nhân mà các nhà cung cấp đưa ra là do việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh thời gian qua đã tạo áp lực tăng giá lên sản phẩm. Thêm vào đó, hiện các chương trình khuyến mại đã kết thúc, giá một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã ở mức cao hơn trước.
Tuy nhiên theo nhận định của Tổ điều hành Thị trường trong nước, Bộ Công thương, mặc dù giá cả hàng hoá trên thị trường cuối năm sẽ tăng nhẹ, nhưng không có nguy cơ sốt giá. Thực tế thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng giá, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Chuẩn bị nguồn hàng và tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

Và nỗi lo mất an toàn vị sinh thực phẩm

Bên cạnh nỗi lo tăng giá, là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Nỗi lo này còn lớn hơn khi từ đầu năm đến nay, hàng loạt sự kiện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm được báo chí và cơ quan quản lý phanh phui, như: Hàng trăm tấn sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, quá hạn sử dụng nhưng vẫn lén lút bán ra thị trường. Lúc  thì người dân nghe nơi này bắt quả tang đang chế biến bì lợn thối; nơi kia phát hiện cơ sở chế biến mỡ bẩn; lúc thì phát hiện hành phi có hóa chất tẩy trắng; dùng hóa chất độc hại để chống ôi thiu cho cháo dinh dưỡng của trẻ em... Hay còn một thực trạng đã kéo dài nhiều năm qua là tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, mỗi ngày có tới trên 100 tấn hoa quả vào Việt Nam nhưng việc kiểm tra an toàn thực phẩm các loại hoa quả này hầu như không có... 

Ngăn chặn tăng giá dây chuyền, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là hai vấn đề cần được cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm trong dịp giáp Tết. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Bộ đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra sản xuất, hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Theo đó, trong tháng 12, các cơ quan chức năng bên cạnh việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ Tết nguyên đán cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Việc kiểm tra không chỉ diễn ra đối với các mặt hàng cấm như pháo các loại, thuốc nổ, đèn trời, đồ chơi kích động bạo lực và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như vải may mặc, quần áo, rượu, bia, thuốc lá ngoại, hàng điện tử, điện thoại di động, đường kính... mà còn tập trung kiểm tra các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá, các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, chú ý kiểm tra đối với những loại hàng hoá thường bị làm giả, làm nhái...có khả năng gia tăng trong dịp cuối năm.