Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường dầu mỏ: Sắp bắt đầu một kỷ nguyên mới

Minh Anh - Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/5 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã lên tới mức 89,780 USD/thùng vượt qua mốc dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước.

Khi giá dầu lao dốc mạnh vào năm 2014 do lo ngại nguồn cung dư thừa, giới đầu tư tin rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp trong dài hạn. Tuy nhiên, việc dầu đá phiến Mỹ không đáp ứng nổi nhu cầu dầu tăng trên toàn cầu, trong khi các nguồn cung khác từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bị thu hẹp được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng chấm dứt thời kỳ giá dầu giảm thấp. 
Giá dầu sẽ liên tục tăng?

Các nhà phân tích quốc tế nhận định, giá dầu thô sẽ tiếp tục đà tăng trong trung hạn vì nhiều lý do, trong đó một phần là do nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng ổn định. Bên cạnh đó, nguồn cung toàn cầu đang được thắt chặt hơn do nỗ lực cắt giảm sản lượng (khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày của OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga từ đầu năm 2017), là nguyên nhân đẩy giá dầu đi lên.
 Kiểm tra thiết bị ống dẫn dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.  Ảnh:  Hùng Huy
Bên cạnh đó, các yếu tố rủi ro địa chính trị cũng tác động rất lớn đến thị trường dầu thế giới do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “khuấy động” thị trường dầu mỏ.

Giá dầu thế giới đang đứng trước khả năng vượt ngưỡng 90 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á tăng kỷ lục. Theo cảnh báo mới nhất của Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets, châu Á là khu vực dễ tổn thương nhất do giá dầu tăng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 35% trong tổng số khoảng 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày. Đây cũng là khu vực sản xuất dầu ít nhất thế giới, chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng dầu toàn cầu. Giá dầu tăng có ảnh hưởng lớn đối với các công ty vận tải và hậu cần. 
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng Total SA (Pháp) Patrick Pouyanne nhận định: “Chúng ta đang quay trở lại tình hình trước khi thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2016. Vào thời điểm đó, lượng xuất khẩu dầu thô của Iran chỉ đạt 1 triệu thùng/ngày. Đó là lý do tại sao bạn thấy giá dầu cứ tiếp tục tăng và tăng”. Nhận định về giá dầu trong thời gian tới, Amrita Sen - Giám đốc phân tích thị trường dầu ở Công ty Tư vấn năng lượng Energy Aspects cũng cho rằng, thời kỳ giá dầu thấp đã chấm dứt sau khi thị trường dầu trải qua quá trình tăng giá bền vững kể từ năm ngoái và đang đứng trước các mối lo ngại cú sốc nguồn cung, đặc biệt là từ Venezuela, nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Bà Sen cảnh báo giá dầu có thể tăng "sốc" giữa lúc sản lượng dầu đang giảm nhanh ở Venezuela và Mỹ sắp tái áp đặt trừng phạt Iran ảnh hưởng đến nguồn cung dấu tại Trung Đông.

Cảnh báo nguy cơ lạm phát

Việt Nam là nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Khi giá dầu thô thế giới tăng cao Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong thu ngân sách (thực tế từ nhiều năm qua thu từ dầu thô luôn chiếm tỷ lệ cao, đóng vai trò quan trọng). Những năm giá dầu tăng cao (năm 2015, đạt 62,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 7,01% tổng thu ngân sách; năm 2014, đạt 98 ngàn tỷ đồng, chiếm 12%; năm 2013, đạt 115 tỷ đồng, chiếm 14%).

Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường quốc tế tăng lại đem đến sự lo lắng cho người dân và DN bởi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 10 tỷ lít xăng phục vụ thị trường nội địa. Sau khi OPEC cắt giảm sản lượng, giá xăng trên sàn giao dịch NewYork đã tăng hơn 10%, điều này đã tác động tới giá xăng bán lẻ trên thị trường trong nước. Thực tế sau đúng một tuần kể từ khi giá dầu thô thế giới đã vượt qua mức 80 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã liên tục điều chỉnh tăng. Và các chuyên gia dự báo giá mặt hàng này chắc chắn sẽ tiếp tục phải điều chỉnh trong thời gian tới. Tính từ mức đáy 16.760 đồng/lít vào ngày 5/7/2017, đến ngày điều chỉnh gần đây nhất (ngày 23/5), giá xăng đã tăng tổng cộng 4.650 đồng/lít. Bình quân tháng 4/2018, giá xăng dầu tăng 2,72% so với tháng trước, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm 0,11%. Xăng là nhiên liệu cơ bản phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa của nền kinh tế. Do vậy, giá xăng tăng sẽ dẫn đến cước vận tải tăng. Với phương thức vận tải hiện tại, giá xăng dầu có thể chiếm tới 35% cầu thành giá thành vận tải, như vậy giá cước vận tải có khả năng tăng tới 7 - 10%. Đây là cấu thành không nhỏ trong giá thành hàng hóa, đặc biệt là giá thành thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN khiến việc điều hành của Chính phủ trở nên khó khăn hơn. Bởi cùng một lúc, các yếu tố đầu vào sản xuất tăng cao đột biến, từ tỷ giá, giá nhiên liệu, nguyên liệu cũng đều tăng cao, khả năng lạm phát cuối năm khó tránh khỏi. Điều cốt yếu của DN, cá nhân trong tình hình hiện nay cần phải triệt để tiết kiệm, tìm tòi đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn để duy trì giá thành cạnh tranh, đảm bảo giữ vững thị trường. Nếu lạm phát gia tăng, cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, buộc NHNN phải giới hạn cung tiền, tăng lãi suất, ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của nền kinh tế… 

"DN Việt Nam quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế, còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức ép hội nhập ngày càng lớn. Một khi giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt khi xuất khẩu. " - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh