Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường đòi hỏi chuyên nghiệp hóa thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đìu hiu, thưa thớt khách hàng…, đó là tình cảnh thường thấy gần đây tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Hà Nội.

Ngoài những biến động của thị trường, thì việc thiếu sáng tạo, thiếu tính thương mại trong thiết kế mẫu được nhận định là rào cản chính khiến sản phẩm TCMN Hà Nội kém sức hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Và chuyện "chuyên nghiệp hóa" khâu thiết kế hàng TCMN của Thủ đô hơn lúc nào hết đang trở thành yêu cầu cấp bách…

 
Thị trường đòi hỏi chuyên nghiệp hóa thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề - Ảnh 1

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô.Ảnh: Thanh Hải.

 
 
Mẫu mã kém - đầu ra hạn chế 

Theo thống kê mới nhất, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng có nghề, trong đó 281 làng nghề truyền thống, đem lại kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nếu trước đây, các làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm), Phú Vinh, Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Vạn Phúc (Hà Đông)… được mệnh danh "làng tỷ phú" với những container hàng xuất khẩu nườm nượp sang Nga, Nhật Bản… thì thời gian gần đây, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, máy móc phải đắp chiếu. Số đơn hàng XK giảm gần nửa, không ít hộ gia đình phải bỏ nghề tìm công việc khác. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được nhận định là, đa số sản phẩm làm theo mẫu mã có từ hàng chục, hàng trăm năm nay, dẫn đến nhàm chán với khách hàng. Đối với sản phẩm XK, hầu như các cơ sở sản xuất, DN làng nghề chỉ dừng lại ở gia công theo mẫu có sẵn của đối tác, hoặc có cái gì bán cái đó, làm "nhái" mẫu nước ngoài, thậm chí "copy" lẫn nhau. Điều này vô hình chung làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh hàng TCMN Hà Nội, nhất là trong mắt bạn hàng quốc tế.

Với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhân viên thiết kế sản phẩm TCMN từ các công ty, làng nghề cả nước, Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam (Vietcraft) dưới sự hợp tác của Chính phủ Thụy Điển vừa triển khai dự án và cho ra mắt Trung tâm Thiết kế Hà Nội tại 91 Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Trung tâm này ra đời được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" cho những đột phá mới trong thiết kế. Hiện, Vietcraft đã lên kế hoạch xây dựng các tài liệu quảng bá bằng cả tiếng Việt và Anh, tham gia và các buổi nói chuyện trên truyền hình, tổ chức cuộc thi thiết kế, xúc tiến các thiết kế tốt nhất của Việt Nam tại các sự kiện quốc tế, phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở thiết kế của Việt Nam với các cơ sở tương tự trên thế giới...
Ngay cả làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dù có sự độc đáo về men, chất đất và bàn tay tài hoa của nghệ nhân, nhưng kiểu dáng của đa số sản phẩm đều na ná các nước láng giềng, nên không ít đơn hàng XK rơi vào tay các nhà sản xuất nước khác. Dù một số nghệ nhân đã dày công để cho ra đời những mẫu gốm độc đáo, song lại thiếu tính ứng dụng, do đó thường chỉ phù hợp với khách du lịch hoặc phục vụ nhu cầu lưu niệm. 

Tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), với trên 200 máy dệt đạt sản lượng 2 triệu m2 lụa/năm, cùng trên 100 cửa hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, gần đây không còn cảnh tấp nập vốn có mà khá thưa thớt khách mua hàng. Theo nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, bên cạnh sự nghèo nàn về mẫu mã, một số hộ sản xuất kinh doanh ở Vạn Phúc đã làm hàng pha tơ bóng, pha sợi lanh, nhằm hạ giá thành sản phẩm để thu lãi nhiều hơn, nhưng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín làng nghề.

Với hàng mây tre đan, ông Phạm Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Mây giang đan Hà Nội cho biết: Hiện các DN thành viên Hiệp hội vẫn chủ yếu gia công theo mẫu đặt hàng của đối tác, ít sáng tạo hoặc chỉ biết "nhái lại" mẫu nước ngoài. Trong khi thị trường XK ngày càng khó tính, nên sản phẩm mây tre đan của Hiệp hội rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nếu ký được hợp đồng XK thì giá cũng thấp hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Philipines, Thái Lan... tới 30%. Với một sản phẩm làn đựng quần áo, khi hoàn thiện đến công đoạn đóng container, đối tác nước ngoài chỉ trả cho DN Việt Nam khoảng 15 USD, trong khi giá bán đến tay người tiêu dùng trung bình là 120 - 150 USD. 

Chuyên nghiệp - vấn đề sống còn

Ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho rằng, nguyên nhân yếu kém trong thiết kế, mẫu mã sản phẩm TCMN Hà Nội chính là hầu hết cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, năng lực tài chính yếu. Do đó, dù muốn nâng cao khả năng thiết kế song "lực bất tòng tâm", họ không có điều kiện để quan tâm cải tiến mẫu mã, không khai thác được tối đa năng lực của chính mình. Nguyên nhân quan trọng khác đó là sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa đội ngũ nghệ nhân và DN còn lỏng lẻo, nên quá trình cải tiến mẫu mã diễn ra chậm chạp, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới kiểu dáng. Những điều này dẫn đến sức tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm TCMN trên thị trường cả trong và ngoài nước ngày càng hạn chế. 

Thị trường đòi hỏi chuyên nghiệp hóa thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề - Ảnh 2
 
Sản phẩm được bày bán tại chợ gốm Bát Tràng. Ảnh:Đức Giang
 
 
Từ thực trạng đó, nhằm giúp các DN làng nghề "chuyên nghiệp hóa" trong khâu thiết kế mẫu mã, 2 năm gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về thiết kế mẫu sản phẩm, giới thiệu thị hiếu của các khu vực thị trường trong và ngoài nước cho DN, như châu Âu, châu Á, Mỹ... Và thực tế gần đây, không ít DN làng nghề Thủ đô đã tự trang bị cho mình cả "ngân hàng mẫu" để chào hàng, nhiều DN lớn của làng nghề, hiệp hội làng nghề có website riêng. Các cơ quan quản lý cũng có website chuyên giới thiệu cho DN những chương trình tập huấn về xu hướng thị trường, thiết kế mẫu TCMN… Riêng năm 2013, Sở Công Thương đang lựa chọn các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên về TCMN để tư vấn cho DN. 

Đặc biệt, nhằm tạo đột phá trong sáng tạo mẫu, sau cuộc thi thử nghiệm năm 2010, từ năm 2012, UBND TP đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì và Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội trực tiếp thực hiện Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội. Theo ông Hoàng Xuân Thủy, thực tế ngay từ lần tổ chức đầu tiên, cuộc thi đã nhận được sự tham gia của rất đông cơ sở sản xuất, nghệ nhân, thợ giỏi, bởi họ thấy được sự cần thiết của việc nâng cao tính sáng tạo trong thiết kế mẫu. 
 
"Không phải mọi sản phẩm tham gia đều có giải, nhưng thực tế cả 210 sản phẩm  tham gia thi năm 2012 đều xứng đáng được trao giải, vì đều có tính sáng tạo. Cuộc thi thiết kế mẫu TCMN năm 2013 đã chính thức khởi động, dự kiến sẽ thu hút khoảng 250 sản phẩm mới tham gia, trong đó những sản phẩm đạt giải sẽ được UBND TP cho hưởng cơ chế hỗ trợ đặc thù, nhằm khuyến khích người thợ phát huy sáng tạo hơn nữa" - ông Thủy cho biết.

 
Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội 2013 với chủ đề "Thiết kế bền vững" sẽ dựa vào 4 tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi: Tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại, tính thân thiện với môi trường. Tất cả sản phẩm dự thi sẽ được trưng bày miễn phí tại Phòng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm TCMN Hà Nội (số 176 Quang Trung, Hà Đông).