Thị trường mỹ phẩm: Hàng giả lấn át hàng thật

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù lực lượng chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhưng do lợi nhuận lớn nên nhiều cá nhân, DN vẫn cố tình sản xuất, buôn bán mặt hàng này. Điều này không chỉ gây tổn hại đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn đến các DN làm ăn chân chính.

Đội Quản lý thị trường số 5 thu giữ mỹ phẩm giả tại Bến xe phía Nam. Ảnh: Thu Hương
Doanh nghiệp kêu cứu
Mới đây, ngày 22/11, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết mỹ phẩm tại P602, nhà N1 CT1.2 Chung cư Hà Đô - ngõ 183 Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân) đã thu giữ được 401 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không rõ chất lượng trị giá hơn 200 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra chủ kinh doanh không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm để làm rõ theo quy định.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên lực lượng QLTT phát hiện, xử lý việc kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả. Thực tế, tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang... hiện vẫn bày bán hàng nghìn loại mỹ phẩm từ vô danh đến thương hiệu tên tuổi, như Shiseido, Lancome, Ohui... và tất cả đều không có tem nhãn nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng. Những sản phẩm này đều có giá rất rẻ, người mua chỉ phải bỏ ra 200.000 đồng là đã sắm một bộ trang điểm với đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem... trong khi nếu mua sản phẩm chính hãng phải đắt gấp 5 - 10 lần.
Giám đốc đối ngoại & truyền thông của L'Oréal Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết: Chỉ một năm sau khi thương hiệu này chính thức có mặt ở Việt Nam (năm 2008), thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "L’Oreal chính hãng"; thậm chí qua thống kê, có lúc hàng giả L'Oréal trên thị trường chiếm đến 75% thị phần. Hiện thị trường mỹ phẩm L'Oreal tại Việt Nam gần như bị thống trị bởi hàng xách tay, hàng giả (chiếm hơn 60% thị phần) trên cả 2 kênh phân phối online và offline.
Thực tế, với lĩnh vực mỹ phẩm, nguồn nhập lậu, hàng giả tràn lan đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho DN làm ăn chân chính, tiêu dùng đang bị lừa dối, Nhà nước thất thu thuế. “Trước thực trạng này, L’Oreal đã gửi công văn kêu cứu đến các cơ quan chính phủ và trong cả cuộc họp cấp cao giữa tập đoàn và Văn phòng Thủ tướng” - bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh nói.
Thiếu chế tài, khó khởi tố
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, do người tiêu dùng có tâm lý sính dùng mỹ phẩm ngoại và đây là nguyên nhân khiến mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiêu thụ mạnh trong thời gian qua. Do đó, mỹ phẩm là 1 trong 3 mặt hàng “nóng” bị làm giả nhiều nhất gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng. Để có mỹ phẩm giả, nhái, nhiều DN sang Trung Quốc đặt hàng, sau đó mang về Việt Nam tiêu thụ hoặc sang chiết ra các bình, lọ, chai dán nhãn của nước ngoài như Nhật, Pháp, Mỹ, Úc... sau đó bán giá cao để trục lợi. “Sở dĩ mỹ phẩm giả, dược phẩm giả được sản xuất và buôn bán nhiều, vì hành lang pháp lý, chế tài còn thiếu, chưa cụ thể, chặt chẽ, chưa có bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả. Quy định về hành vi vi phạm chưa rõ ràng, vì thế việc xác định vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý hành chính hay hình sự là cả vấn đề. Việc khởi tố đã khó, phạt tù còn khó hơn” - ông Kiên cho biết.
Tại Diễn đàn thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam do Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Hoàng Ánh Dương cho biết: Thời điểm trước, trong và sau Tết Canh Tý, là lúc các mặt hàng giả, nhái tiêu thụ mạnh, nên lực lượng QLTT bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng, tuyên truyền, hướng dẫn tới từng DN, hộ kinh doanh nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả. Còn theo Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân, để ngăn chặn mỹ phẩm giả, nhái, một mặt DN phải nâng cao trách nhiệm, chủ động đấu tranh với vấn nạn sản xuất buôn bán, nhập lậu mỹ phẩm giả.“Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong đó có mặt hàng mỹ phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần ngăn chặn ngay từ khâu “cung” để số hàng này không đến được với “cầu”, làm được điều này thì mỹ phẩm giả sẽ khó có thể tồn tại” - ông Tân nói.
Cùng với những giải pháp chuyên ngành, theo các chuyên gia, để có thể ngăn chặn được hàng giả trong đó có mặt hàng mỹ phẩm đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng như công an, hải quan, QLTT, thuế... chặn hàng giả, nhái từ biên giới, kiểm soát chặt thị trường trong nước. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa buôn lậu và gian lận thương mại.