Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường những ngày cận Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau 23 tháng Chạp, thị trường Hà Nội bước vào tuần lễ mua sắm Tết Đinh Dậu 2017 cao điểm, sức mua đang tăng mạnh.

 Do đã có sự chuẩn bị về nguồn hàng, nhân sự nên chưa xảy ra tình trạng quá tải tại các siêu thị, chợ. Giá các mặt hàng nhìn chung bình ổn, không có biến động tăng bất thường.
Không khí mua sắm sôi động
Khảo sát tại các hệ thống siêu thị như Hapro, Big C, Fivimart, Vinmart... trong những ngày vừa qua cho thấy, lượng khách hàng đến mua sắm đã tăng mạnh, đông ở tất cả các khung giờ, đặc biệt là buổi tối các ngày cuối tuần. Với mục tiêu để người dân chỉ cần tới một nơi là có thể mua sắm đầy đủ, các siêu thị đã bổ sung, chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, dồi dào, đầy đủ các ngành hàng khác nhau, khai thác thêm các nguồn hàng nhập khẩu, đặc sản vùng miền… Hàng hóa đầy ăm ắp trên các khay kệ, đội ngũ nhân viên liên tục phải bổ sung, thu gom xe đẩy để kịp thời phục vụ khách hàng.

Người dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì mua hàng Việt tại  điểm bán hàng do Sở Công Thương tổ chức.   Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, nhiều hệ thống siêu thị năm nay đã triển khai mạnh các sản phẩm mâm ngũ quả, mâm cỗ Tết với nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách hàng bận rộn. Hệ thống siêu thị Big C dự kiến sẽ cung ứng hơn 10.000 sản phẩm thuộc mâm cúng Tết, mỗi mâm cỗ Tết có 12 món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa góp, gà luộc, xôi gấc, canh măng... Hệ thống siêu thị Fivimart ngoài các mâm ngũ quả cúng gia tiên, cúng ngoài trời... cũng triển khai mâm cỗ Tết với mức giá từ 500.000 - 700.000 đồng/mâm. Đến nay, siêu thị đã nhận được 500 đơn đặt hàng cho sản phẩm này.
Về sức mua, đại diện siêu thị Big C cho biết, từ sau ngày 23 Tết, doanh số bán hàng đã tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Riêng mặt hàng thịt lợn, dự báo có thể tăng lên gấp 4 lần trong những ngày 28, 29 Tết. Hệ thống siêu thị Fivimart cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh ở những ngành hàng như rau củ quả tươi, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống..., đều tăng khoảng 200% so với cùng thời điểm Tết năm 2016. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Riêng mặt hàng mứt Tết, các kho của Fivimart hiện đã không còn hàng dự trữ.
Thông tin từ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho thấy: Hiện, nhu cầu các mặt hàng gạo tẻ, gạo nếp đã tăng cao hơn so với ngày thường. Đặc biệt, mặt hàng gạo nếp các tháng trong năm chỉ tiêu thụ được khoảng 2 tấn/tháng thì trong tháng Tết năm nay đã tăng lên gần 10 tấn. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, nếu như ngày thường lượng hàng hóa về chợ chỉ khoảng 100 tấn thì những ngày này đã tăng lên từ 300 - 500 tấn. Các xe hoa quả, rau củ liên tục ra vào chợ bốc dỡ hàng, thậm chí tràn ra cả phía ngoài đường Trần Nhật Duật, Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), đường Yên Phụ (quận Ba Đình)…
Giá ổn định, người dân giảm  tích trữ
Dù sức mua đang "nóng" lên từng ngày nhưng nhìn chung giá hàng hóa Tết năm  nay được đánh giá là bình ổn, sẽ khó xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Thực tế tại các chợ truyền thống như Kim Liên, Thành Công, Châu Long… trong những ngày qua cho thấy, giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định, thậm chí còn giảm như thịt lợn giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, gạo nếp 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiện thịt lợn mông sấn giá 90.000 đồng/kg, nạc vai 100.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 65.000 - 70.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngân, kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Châu Long cho biết:  Giá thịt bò các loại khá ổn định trong cả năm vừa qua, hiện phổ biến từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều hơn thịt bò nhập khẩu do giá và chất lượng khá cạnh tranh. Ngay cả các loại hải sản cũng không có biến động tăng giá, hiện cá rô phi loại 1kg/con 50.000 đồng/kg, cá Điêu hồng 70.000 đồng/kg, cá chép 50.000 - 60.000 đồng/kg, cá trắm cắt khúc 100.000 đồng/kg, ngao 20.000 - 25.000 đồng/kg, mực tươi 180.000 - 250.000 đồng/kg, tôm sú loại nhỏ 250.000 - 270.000 đồng/kg, loại to 450.000 - 500.000 đồng/kg...
Giám đốc Vận hành miền Bắc của Hệ thống siêu thị Vinmart Nguyễn Bảo Lộc cho biết, tới thời điểm hiện tại, giá hàng hóa trong siêu thị vẫn rất ổn định, không có biến động nhiều. Siêu thị cam kết chỉ đưa giá một lần đối với các mặt hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, đồ uống… Hệ thống siêu thị Big C thì triển khai chương trình Khóa giá với nhiều mặt hàng, cam kết sẽ không tăng giá bán ngay cả khi thị trường chung có biến động tăng. Thậm chí, nhiều siêu thị còn triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá dịp Tết, tích điểm cho khách hàng thân thiết…
Đặc biệt, dù năm nay TP Hà Nội không bố trí vốn đối ứng cho chương trình bình ổn giá của TP, các DN tham gia chương trình sử dụng nguồn vốn của mình để tích trữ hàng hóa, thực hiện bán hàng bình ổn các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, trứng, thủy hải sản chế biến, thực phẩm tươi sống… Công ty CP Nhất Nam đã dự trữ 250 tỷ đồng; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự trữ 1.200 tỷ đồng… Bên cạnh đó, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân các khu công nghiệp.