GS.TSKH Đặng Hùng Võ |
Thưa ông, năm 2019 được đánh giá là năm có nhiều biến động của thị trường BĐS, theo ông yếu tố nào đã tác động mạnh nhất đến thị trường ?
- Cùng với những tín hiệu tích cực của những năm qua, thị trường BĐS cũng phát triển tốt vì tính thanh khoản cao, giao dịch thành công trên thị trường vẫn chiếm được từ 70 – 90%. Nhưng năm 2019 ghi nhận sự chững lại của thị trường, thể hiện rõ nét nhất là rất nhiều dự án BĐS phải rà soát lại và dự án mới không được phê duyệt, nguyên nhân vì câu chuyện xung đột giữa các luật ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế hệ thống pháp luật chưa theo kịp nhu cầu phát triển của thị trường BĐS.
Đơn cử rõ nhất là các dự án Condotel “đứt gánh” bắt đầu từ câu chuyện của Cocobay, và tới đây sẽ còn tiếp tục ở các dự án khác.
Vậy những tác động đó đã ảnh hưởng thế nào tới thị trường BĐS?
- Rất nhiều dự án năm nay chưa được phê duyệt, ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh hàng năm đều phê duyệt các dự án cho lĩnh vực BĐS từ 25 – 35 dự án, nhưng năm 2019 chỉ có 5 dự án mới được phê duyệt. Tất nhiên, hiện nay giao dịch vẫn nhiều, số lượng cung vẫn lớn nhưng là những dự án từ trước vẫn đảm bảo cho nguồn cung, chưa bị suy giảm.
Nhưng nguồn cung mới trong 2 năm tới có biểu hiện bị suy giảm khi những dự án mới được cấp phép hiện nay là rất ít.
Khi nguồn cung bị suy giảm, theo quy luật của thị trường, giá bán sẽ tăng và ngay tại thời điểm này xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi. Thị trường BĐS bị suy giảm, phát triển không bình thường. Điều này, theo tôi, nền kinh tế của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với dự án đã được phê duyệt rồi thì lợi nhuận này trong 2 – 3 năm tới khi đưa ra thị trường rất cao.
Trong năm 2020 thị trường sẽ có có diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Trong năm tới thị trường sẽ dựa vào hai kịch bản của việc sửa đổi pháp luật. Một là, chúng ta có sửa nhưng chưa phù hợp với quy luật của thị trường, vì rất có thể những người làm luật chưa chắc đã có những va chạm về kinh doanh BĐS, thì chưa chắc sẽ có một luật phù hợp với thị trường BĐS. Thị trường sẽ vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu.
Hai là, khi có hành lang pháp lý rất phù hợp với thị trường và mang lại hiệu quả rất cao, thị trường sẽ phát triển rất lành mạnh và nhà đầu tư thứ cấp, cho dù đầu tư vào phân khúc nào thì cũng có thể đạt được lợi ích.
Tôi cho rằng nếu pháp lý mà xuôi, nhà đầu tư chỉ cần chú tâm vào việc nhà đầu tư dự án là ai, độ tin cậy đến đâu? Và dự án đó năm ở vị trí nào, liệu có phù hợp với kỳ vọng về lợi ích không?
Xin cảm ơn ông!