Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường sữa vẫn tiềm ẩn những bất ổn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng kể từ khi quy định áp trần giá sữa có hiệu lực (1/6), một số doanh nghiệp (DN) vẫn tìm cách “lách luật”, qua mặt người tiêu dùng (NTD) dưới nhiều hình thức.

Áp trần, giá sữa giảm... 800 đồng/hộp

Một khách hàng cho biết, cách đây vài ngày khi mua sữa NanPro 3 loại 900g tại một đại lý ở phố Phương Mai (Đống Đa), chị đã được giảm từ mức 415.000 đồng/hộp trước đó xuống còn 390.000 đồng/hộp. Như vậy, mỗi hộp sữa đã giảm thêm 25.000 đồng. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như NTD chỉ có thể so sánh giữa giá cũ với giá mới, mà không thể kiểm soát được mức giảm đã hợp lý và đúng quy định hay chưa. Nếu tính đúng theo giá trần của Bộ Tài chính thì mức giảm của đại lý trên là chưa đúng quy định. Cụ thể, mức trần áp cho dòng sữa Nan Pro3 loại 900g là 334.000 đồng/hộp với giá bán buôn, nên cộng thêm tối đa là 15%, giá bán lẻ cao nhất đến tay NTD sẽ là 384.000 đồng/hộp, thấp hơn 6.000 đồng so với giá mà đại lý đang bán.

Trong khi đó, các loại sữa nằm ngoài danh mục áp giá trần vẫn giữ nguyên giá bán lẻ, hoặc giảm gần như không đáng kể. Như các sản phẩm Dutch Lady của Friesland Campina mang tên Tò mò, Khám phá, Sáng tạo... được các siêu thị, cửa hàng giữ nguyên giá bán hoặc chỉ giảm vài ngàn đồng/hộp.

Chủ cửa hàng Hoàng Lan ở khu vực trường Đại học Bách Khoa (Hai Bà Trưng) cho hay, theo bảng giá bán buôn mà Công ty Friesland Campina giao cho đại lý, ngoài 5 sản phẩm Friso thuộc danh mục áp giá trần có mức giảm 31.000 - 78.000 đồng/hộp, thì hãng có giảm giá 38 sản phẩm nhưng mức giảm cao nhất chưa đến 5.000 đồng/hộp và thấp nhất là... 800 đồng/hộp!

Nếu không có biện pháp quản lý chặt, người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa.     Ảnh: Hùng Văn
Nếu không có biện pháp quản lý chặt, người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa. Ảnh: Hùng Văn

Chưa hết, các hãng sữa còn lách luật, đối phó bằng cách thay mẫu mã, hoặc giảm giá nhưng cắt bỏ hết chương trình khuyến mãi, khiến NTD vẫn chưa được hưởng lợi như mong đợi. Một hãng sữa lớn của Mỹ là Abbott lại tung chiêu "rút ruột", giảm tới 50g, từ hộp 900g xuống còn 850g đối với dòng sữa Pediasure nhưng giá vẫn giữ nguyên 580.000 đồng. Mặc dù, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Abbott không làm sai vì... dòng sữa này không thuộc diện bình ổn theo danh mục của Thông tư 30/2014/TT - BYT mà Bộ Y tế ban hành, nhưng động thái này của Abbott đã đẩy giá sữa tăng một mức khá cao.

Những khó khăn biết trước!

Những ngày này, rất dễ nhận ra một số sản phẩm sữa quen thuộc đối với NTD trở nên hiếm hoi trên thị trường, điển hình là các dòng sản phẩm Grow của Abbott và Enfamil của Mead Johnson. Dù quy định của Bộ Tài chính chỉ cho phép đại lý bán cao hơn giá mua buôn tối đa là 15% nhưng khi tình trạng "sốt" sữa xảy ra, làm sao có thể bảo đảm nhà phân phối không ép giá NTD?

Với dòng sữa mới thay thế, Bộ Tài chính khẳng định, sản phẩm mới hoặc thay đổi mẫu mã bao bì đều phải đăng ký giá lại từ đầu và cơ quan quản lý có quyền kiểm tra chi phí của các mặt hàng đó. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng, trong bảng giá trần các dòng sản phẩm bị "điểm danh", Bộ Tài chính không chỉ rõ cơ sở nào để áp các mức giá khác nhau dành cho các sản phẩm có cùng trọng lượng của các nhà sản xuất khác nhau. NTD có quyền đặt câu hỏi về chất lượng sản phẩm sau khi áp trần giá sữa, bởi Bộ Tài chính không dễ dàng quản vấn đề này.

Trên thực tế, việc áp trần giá sữa không đơn giản. Nguyên nhân là do sản phẩm sữa hiện nay trên thị trường rất đa dạng và mỗi DN sữa, tùy vào thị trường mỗi nước, thường có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng. Vì vậy, giá của các dòng sản phẩm sữa có thể rất khác nhau. Một chuyên gia về sản phẩm sữa nhìn nhận, đăng ký giá trần chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là việc thực thi này sẽ diễn ra ổn định trong bao lâu? Ước tính, cả nước đang có khoảng 400 nhãn hiệu sữa khác nhau lưu thông, đa dạng chủng loại, chất lượng với hệ thống phân phối bán lẻ phủ kín tới từng ngõ ngách khu dân cư. Bởi vậy, việc hậu kiểm cần được tiến hành thường xuyên thì mới mong thực sự "ghìm cương" được thị trường này.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay chưa phát hiện được cửa hàng sữa nào bán vượt giá trần cho phép. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá vẫn yêu cầu các sở tài chính thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát, kiểm tra, giám sát việc xác định giá bán lẻ tối đa và đăng ký giá bán lẻ đến NTD.

 
Mặc dù khi công bố quyết định về việc áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính khẳng định sẽ giám sát chặt và sẽ tính tới thực hiện biện pháp mạnh tay hơn. Tuy nhiên, trước việc nhiều doanh nghiệp sữa lách luật bằng các chiêu giảm trọng lượng, biến tướng mẫu mã, tên gọi, tăng độ tuổi của trẻ..., không biết là Bộ Tài chính sẽ xử lý bằng những giải pháp gì? Nếu không có những giải pháp quyết liệt để buộc các doanh nghiệp sữa phải chịu đi vào khuôn phép, thì biện pháp áp giá trần coi như vô hiệu. Và khi đó, "con ngựa giá sữa" lại càng bất kham hơn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long