Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường thịt tươi sống: “Đến hẹn lại lên giá”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá cả bắt đầu leo thang mạnh ngay từ những ngày đầu tháng và dự báo sẽ còn vài đợt tăng giá nữa theo quy luật “đến hẹn lại lên giá” của thị trường thịt tươi sống phục vụ Tết.

KTĐT - Giá cả bắt đầu leo thang mạnh ngay từ những ngày đầu tháng và dự báo sẽ còn vài đợt tăng giá nữa theo quy luật “đến hẹn lại lên giá” của thị trường thịt tươi sống phục vụ Tết.

Mới đầu tháng Chạp nhưng giá thịt tươi sống đã vào giai đoạn “tăng tốc”. Ngoài tâm lý ém hàng chờ Tết, gây khan hiếm thịt giả tạo tại một số chợ, thông tin một nguồn cung gia súc không nhỏ đang chảy sang Trung Quốc “đón Tết” càng khiến giá thực phẩm leo thang.

Các tiểu thương dự báo, chưa kể các lần nhích 1 - 2 giá lẻ tẻ, từ giờ đến Tết, thịt vẫn còn ít nhất ba đợt tăng giá cao điểm nữa

Sẽ có ít nhất 3 đợt tăng giá thịt

Mô tả ảnh.

Các tiểu thương dự báo ít nhất còn 3 đợt tăng giá thịt nữa vào các ngày 15, 23 và 27-28 tháng Chạp  - Ảnh: Phan Hùng

Suốt cả tháng nay, các bà nội trợ liên tục phải cập nhật giá thịt mới. So với 2 tuần trước, giá thịt lợn đã tăng ít nhất 5.000 đ/kg, ở ngưỡng 65.000 - 67.000 đ/kg. Không chỉ thịt lợn, tăng giá cũng là “thời sự” của các loại thịt khác như trâu, bò, ngan, gà...

Khảo sát một số chợ tại Hà Nội, phóng viên ghi nhận, giá thịt bò đã tăng ít nhất 10.000 đ/kg so với nửa tháng trước. Hiện giá bò bắp đã lên ngưỡng 130.000 đ/kg, bò thăn lên 140.000 đ/kg.

Tương tự, giá thịt gia cầm cũng “leo thang” ít nhất 5 giá. Cách đây ba tuần, giá gà ta lông chỉ khoảng 60.000 đ/kg nhưng nay đã ở ngưỡng 68.000 – 72.000 đ/kg tùy loại. Giá gà ta mổ rồi phổ biến ở mức 95.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg. Gà công nghiệp làm sẵn hiện có giá 55.000 đ/kg đối với thịt gà đùi và 50.000 đ/kg với gà nguyên con...

Đáng chú ý, theo các tiểu thương, mức tăng này mới chỉ nhích… nhẹ vì họ phải nhìn nhau cạnh tranh, không dám tăng tương ứng theo giá tăng của lò mổ, do sức mua còn yếu. “Cách đây 2 tháng, giá thịt lợn, thịt bò tại lò mổ đã tăng vài giá, nhưng chúng tôi chỉ dám tăng nhẹ, chấp nhận lãi ít vì tiêu thụ chậm”, chị Tuyết – một tiểu thương bán cả thịt lợn lẫn thịt bò tại chợ Văn Chương cho biết.

Tuy nhiên, tình hình đã khác khi sang tháng Chạp. Tháng áp Tết này là mùa tiêu thụ thịt cao điểm nên giá cả đã vào đà tăng tốc để đón đầu sức mua. Sở NN&PTNT Hà Nội ước lượng dịp Tết Canh Dần, người Hà Nội cần tới 12.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn trâu, bò, 6.000 tấn gia cầm... Như vậy, mức tăng khoảng 20-25% so với năm trước.

Chính vì thế, giá cả bắt đầu leo thang mạnh ngay từ những ngày đầu tháng và dự báo sẽ còn vài đợt tăng giá nữa theo quy luật “đến hẹn lại lên giá” của thị trường thịt tươi sống phục vụ Tết.

Chị Xuân, một tiểu thương có “thâm niên” bán thịt lợn gần 20 năm cho biết, thông thường có ba “mốc” tăng giá chính vào các ngày 15, 23 và 27-28 tháng Chạp.

Từ giờ đến Tết, ít cũng còn 3 đợt tăng giá nữa, giữa tháng Chạp lên một đợt, tới ngày ông Công, ông Táo lên đợt nữa, đỉnh cao sẽ rơi vào 27-28 Tết rồi mới kịch kim được”, chị Xuân khẳng định.

Cũng nhận định như vậy, bà Hương, chủ một quầy thịt bò tại chợ Cầu Giấy cũng dự báo trong 20 ngày tới, thịt bò chắc chắn không còn ở mức 130.000 -140.000 đ/kg như hiện nay mà có thể lên tới 190.000 -200.000 đ/kg.

Tết nhà nào cũng trữ sẵn một ít thịt bò, nhưng nguồn cung bò thịt không ổn định và dồi dào như lợn, gà nên thường lên tới 30-40%”, bà Hương phân tích.

Khan hàng vì... xuất đi Trung Quốc

Giá tăng đã đành nhưng hơn một tuần nay, bà Hòa ở Khâm Thiên không dám đi chợ sau 8h sáng vì ra muộn sẽ hết thịt ngon. “Tôi thường đi chợ trong mấy ngõ như Văn Chương, Thổ Quan… chợ nào cũng có 4-5 sạp thịt đấy nhưng có hôm 9h ra, loại cần mua đã hết từ lâu”, bà Hòa cho biết.

Băn khoăn của bà Hòa được các tiểu thương lý giải là do các hộ chăn nuôi “ém hàng” chờ Tết nên nguồn cung gia súc về các lò mổ giảm sút.

Mô tả ảnh.

Chỉ có 20% người tiêu dùng mua sắm thường xuyên tại các kênh phân phối hiện đại -  nơi được bình ổn giá - Ảnh: Phan Hùng

Khảo sát của báo giới tại Thanh Oai, Hà Nội – nơi chuyên cung cấp thịt vào nội thành cũng cho thấy, giá bán lợn tại chuồng đã tăng khá mạnh trong vài tuần trở lại đây.

Nếu hai tháng trước, giá lợn móc hàm trước chỉ trên 30.000 đ/kg thì nay đã trên 40.000 đ/kg rồi”, anh Nguyễn Đức Tám, một hộ chăn nuôi tại Thạch Bích, Bích Hòa, Thanh Oai cho biết.

Tuy nhiên, anh Tám cho rằng, giá lợn tăng không phải do người nuôi găm lợn, gà lại để chờ giá cao mà do đội chi phí đầu vào. 

Có găm lại cũng chỉ được 15 – 20 ngày là cùng vì lợn, gà đến cữ là phải xuất chuồng. Giá cao chủ yếu do đầu vào vừa qua tăng mạnh quá. Cám công nghiệp lên 320.000 đ/bao trong khi trước đó chỉ hơn 200.000 đ/bao, ngô từ 4 triệu đ/tấn lên 5 triệu đ/tấn...”, anh Tám phân trần.

Hiệu quả chăn nuôi thấp nên đàn lợn nhà anh Tám trước có vài chục con nay cũng chỉ duy trì được hơn chục con.

Thu hẹp đàn gia cầm, gia súc cũng xảy ra với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quanh Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây cũ…

Trong khi đó, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tuy vẫn duy trì khá tốt nguồn cung nhưng hầu hết đều đã được đặt hàng số lượng lớn. Thường thì các nhà phân phối đặt sẵn “chân hàng” từ 3- 4 tháng trước, chờ đến sát Tết mới bung hàng vào hệ thống nên thị trường có vẻ ít hàng hơn.

Ngoài việc người dân giảm sản lượng chăn nuôi, giá thịt còn tăng do một lượng cung đáng kể đang chảy sang Trung Quốc.

Bên Trung Quốc cũng thiếu thịt, thương lái vào đây thu mua lợn sống rất nhiều để buôn sang đó. Giá mua thường cao hơn giá bán trong nước từ 4-5 giá, lại mua nhiều nên hộ chăn nuôi cũng thích bán cho họ hơn”, anh Tám cho biết.

Theo anh Dũng (Thanh Oai, Hà Nội), chuyện đánh lợn sang Trung Quốc vẫn diễn ra quanh năm, nhưng hơn một tháng gần đây tốc độ “ăn hàng” được đẩy mạnh hơn.

Mỗi lần thương lái đánh hàng sang Trung Quốc thường cả xe tải cỡ vài trăm con, mà giá họ mua lại tốt hơn từ  4.000 -5.000 đ/kg nên cũng kéo mặt bằng giá chung lên theo”, anh Dũng cho hay.

Hiện giá lợn móc hàm đã lên đến 40.000 đ/kg và dự báo sẽ còn tăng tiếp trong 2 - 3 tuần tới khi thị trường vào dịp tiêu thụ cao điểm.

Bình luận về sự tăng tốc của thị trường thịt tươi sống, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân cho biết, tâm lý găm hàng chờ sát Tết mới bán là hiện tượng khó tránh khỏi, nhất là khi thịt nhập khẩu lại không tăng nhiều về lượng, gây khan hiếm giả tạo.

Tuy nhiên, ông Xuân khẳng định, nguồn cung thịt không thể thiếu do đã được chuẩn bị sẵn sàng từ 3 - 4 tháng trước. “Hàng ngàn tấn thịt trâu bò, gà lợn đã được chuẩn bị đầy đủ, giá đã được cam kết bình ổn nên người dân cứ yên tâm, không có chuyện khan hiếm nguồn cung hay tăng giá đột biến”, ông Xuân tuyên bố.

Mặc dù vậy, với 250 tỷ đồng tiền bình ổn Tết cho cả thị trường Hà Nội lại phải lo kìm giá cho 9 mặt hàng thiết yếu (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn, gạo, rau củ quả) nên khả năng ổn định giá thịt là rất khó.

Một điều quan trọng nữa là “lực lượng bình ổn” phần lớn là các nhà phân phối hiện đại nên chắc chắn độ “phủ sóng” đến người tiêu dùng không cao khi 80% người tiêu dùng vẫn mua sắm hàng ngày tại các chợ dân sinh.

Như vậy, từ nay đến Tết, không chỉ giá thịt tươi sống mà giá các loại thực phẩm thiết yếu hứa hẹn sẽ còn “tăng tốc” thêm vài đợt nữa.