Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường toàn cầu nín thở vì FED

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ cuối tuần trước, các thị trường toàn cầu đã nín thở theo dõi những diễn biến liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) do nghi ngại định chế này sẽ quyết định giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17 - 18/9.

 Việc FED đặt dấu chấm hết cho chương trình nới lỏng định lượng (QE3) khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ "sức khỏe" vốn vẫn còn yếu ớt của kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia, không chỉ là quá sớm để FED rút lại QE3 mà kinh tế thế giới còn cần các giải pháp quyết liệt hơn vì đang bị đe dọa bởi các điều kiện tài chính tại cả thị trường đã và đang phát triển. Tại Mỹ và châu Âu, nợ đã chuyển từ khu vực tư sang khu vực công và tăng nhanh hơn nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhóm G7 đã vay 18.000 tỷ USD nhưng tăng trưởng mới chỉ tạo ra thêm 1.000 tỷ USD. Ngoài ra, người đi vay ở các thị trường mới nổi đã gánh nhiều rủi ro khi "ôm" thêm nguồn nợ rẻ được định giá bằng đồng USD và Euro.

Trong khi đó, cuộc chạy đua trở thành người đứng đầu FED trở nên gay cấn hơn. Sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers, ứng viên sáng giá nhất cho vị trí này tuyên bố rút lui, bà Janet Yellen - Phó Chủ tịch FED trở thành ứng viên hàng đầu. Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama có thể xem xét khả năng bổ nhiệm các cựu Phó Chủ tịch FED khác là Donald Kohn và Roger Ferguson, cựu Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner. Nếu bà Yellen trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của FED, nhiều khả năng những chính sách kích thích tăng trưởng của người tiền nhiệm Ben Bernenki sẽ được tiếp tục triển khai.