Thị trường trong nước: Điểm tựa cho tăng trưởng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi xuất khẩu được dự báo có nhiều khó khăn, thì thị trường trong nước càng trở nên quan trọng, cần được các DN trong nước quan tâm đặc biệt.

Khuyến cáo trên xuất phát từ hai căn cứ: Căn cứ thứ nhất là tiêu thụ trong nước gắn với xu hướng xuất, nhập khẩu; căn cứ thứ hai là hiện trạng thị trường trong nước 9 tháng qua và tiềm năng cả năm 2019.
Xuất khẩu tăng thấp hơn tốc độ nhập khẩu
Khi tốc độ tăng của nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu sẽ làm cho tiêu thụ trong nước đối với hàng nhập khẩu tăng cao hơn đối với hàng sản xuất ở trong nước. Theo đó tiêu thụ trong nước sẽ hỗ trợ cho hàng nhập khẩu hơn là đối với hàng sản xuất trong nước. Điều đó sẽ gây bất lợi cho sản xuất ở trong nước, gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế.
 Mua bán thực phẩm tại siêu thị Big C.  Ảnh: Trần Việt
Khi tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực trong nước, tuy có phản ánh sự nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc tranh thủ các ưu đãi như giảm thuế xuất khẩu đến các nước, nhưng cũng đưa đến hậu quả là thị phần của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên. Điều đó cũng dẫn đến việc giảm thị phần tiêu thụ trong nước của khu vực kinh tế trong nước.
Tổng mức bán lẻ (TMBL) 9 tháng và dự báo cả năm 2019 có một số điểm nhấn đáng quan tâm. Đó là: TMBL có quy mô lớn. TMBL 9 tháng năm 2019 cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, mới qua 3/4 năm, nhưng đã lớn hơn mức của cả năm 2016.
Bình quân một tháng 400.000 tỷ đồng; bình quân một người trên 40 triệu đồng, bình quân một người một tháng lên đến hơn 4 triệu đồng – một con số không nhỏ; TMBL có tốc độ tăng khá. So với cùng kỳ năm trước, TMBL 9 tháng năm nay nếu tính theo giá thực tế đã tăng tới 11,6%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 9,03%. Đây là tốc độ tăng vừa cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng GDP (9,03% so với 6,98%).
Với quy mô và tốc độ tăng như trên, thì TMBL là động lực của tăng trưởng kinh tế, trong điều kiện xuất khẩu tăng thấp hơn tốc độ tăng của TMBL (8,2% so với 9,03%).
Còn nhiều dư địa cho bán lẻ 
Nếu 3 tháng cuối năm cũng tăng như 9 tháng đầu năm, với TMBL năm 2018 đạt 4.417 nghìn tỷ đồng, thì TMBL cả năm 2019 sẽ đạt trên 4,93 triệu tỷ đồng. Với dung lượng thị trường lớn như vậy sẽ có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thương mại trong và ngoài nước.
Phải chăng cũng vì vậy mà trong 9 tháng đầu năm 2019, một số chỉ tiêu có liên quan đến TMBL có sự phát triển đáng lưu ý. Trong tổng số 102,27 nghìn số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (27,6 nghìn DN), nhóm ngành dịch vụ chiếm đa số.
Tăng trưởng TMBL 9 tháng 2019 so với cùng kỳ năm trước đạt được ở cả 3 ngành. Bán lẻ hàng hóa đạt quy mô lớn nhất (chiếm 76% tổng số) và có tốc độ tăng cao nhất (12,6%). Ước tính cả năm có thể đạt gần 3,74 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 162 tỷ USD tính theo tỷ giá hối đoái. Đây cũng là ngành có quy mô hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài ở cả trong nước và nước ngoài. Đáng lưu ý, hiện có xu hướng, một số DN nước ngoài đã “lui dần” cho một số DN trong nước.
Các ngành dịch vụ có quy mô nhỏ hơn (chiếm 24% TMBL) và có tốc độ tăng thấp hơn (8,7%). Trong ngành này, dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 12% tổng số, tăng 9,6%; du lịch lữ hành và dịch vụ khác chiếm 12% và tăng 8,4%, trong đó du lịch lữ hành chiếm tỷ trọng còn nhỏ (0,9%) nhưng tăng với tốc độ khá cao (12%). Điều đó chứng tỏ du lịch (bao gồm cả du lịch trong nước và du lịch nước ngoài) đã được người dân quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế là dung lượng lớn, tốc độ tăng cao do có dân số đông, tỷ lệ trẻ, tỷ lệ trung lưu cao, tỷ lệ tiêu thụ thông qua thị trường tăng, hiện có nhiều phương thức kinh doanh mới (trực tuyến, đa kênh...) thì tiêu thụ trong nước còn một số hạn chế.
Tỷ trọng dịch vụ còn thấp, trong đó một số dịch vụ do Nhà nước định giá còn đang trong quá trình thực hiện lộ trình giá thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,...) tuy tăng lên về số lượng và có sự cải thiện về một số mặt, nhưng vẫn còn hạn chế, thách thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cân đo đong đếm, hàng giả, hàng nhái còn tràn lan...