Đã có nhiều tranh luận về việc này, bởi liệu camera giám sát có giải quyết được tận gốc tình trạng bạo hành trẻ em?
Bảo mẫu sẽ dè chừng
Trao đổi về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết: “Qua vụ việc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Linh Xuân vừa rồi, chúng tôi đề nghị đầu tiên là tăng cường vai trò người đứng đầu của các trung tâm ấy và có sự theo dõi, đánh giá, giám sát nội bộ. Có thể gồm nhiều hình thức như các cán bộ với nhau, sự giám sát của người dân xung quanh, cũng như bản thân các em được nuôi dưỡng ở trung tâm”.
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đồng tình với quan điểm của bà Lan về việc lắp đặt camera cũng là điều kiện hỗ trợ người làm công tác quản lý trung tâm trong quá trình chăm sóc trẻ em. Theo quan điểm của bà Nguyễn Hồng Oanh - Trưởng ban Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập, không phải chuyện xảy ra rồi mới tính lắp camera. Dù có phần tích cực hay tiêu cực, lắp camera là tốt, để theo dõi sinh hoạt của các cô và các cháu. Nếu phát hiện ra điều gì không đúng sẽ điều chỉnh và xử lý kịp thời, chứ không phải đã xảy ra, báo chí theo dõi, phanh phui rồi mới biết. Lắp camera là cách cảnh tỉnh các cô, nên việc lắp đặt cũng rất hay và các cô nếu có những hành vi ấy phải dè chừng.
Cũng ủng hộ việc lắp đặt camera giám sát tại các trung tâm bảo trợ xã hội, ông Đỗ Văn Ba - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt thuộc T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam có ý kiến: “Nếu lắp đặt được thì tốt vì những cơ sở như thế này có một số nhân viên không được đào tạo về giáo dục. Họ đi làm từ thiện, làm hợp đồng, những nguồn đào tạo khác chuyển sang hoặc không được đào tạo gì. Điều này có thể dẫn đến họ không có phương pháp kỹ thuật, không có tâm và càng không có đạo đức sư phạm để chăm sóc các cháu”.
Quan trọng là có ý thức
Dẫu biết rằng, lắp đặt camera giám sát là rất tốt, nhưng kinh phí lắp đặt được lấy từ nguồn nào? Về việc này, bà Lan cho rằng, các trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ nhiều khi thuộc quyền quản lý của các địa phương. Do vậy, việc lắp đặt tùy thuộc vào điều kiện kinh phí hỗ trợ của các địa phương. “Trước mắt, nơi nào có điều kiện thì khuyến khích làm trước. Nhưng tôi nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đó là ý thức của người được giao nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Bản thân họ cũng phải được cung cấp những kiến thức cơ bản trong việc này để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, còn kể cả có camera giám sát nhưng nếu con người không có ý thức thì cũng trở thành vô tác dụng”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nhận thấy camera chỉ là hình thức đối phó để giám sát. Quan trọng nhất là những người làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng phải có sự tận tâm và có tấm lòng yêu thương trẻ. Nếu không, người ta có thể lợi dụng lúc này, lúc khác, góc khuất camera không với tới để bạo hành trẻ. Những người làm việc tại các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng cũng giống như công tác trong ngành sư phạm, cần được đào tạo các kỹ năng chăm sóc, trang bị kiến thức về đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ, từ đó, xác định được phương pháp giáo dục cho phù hợp. Riêng với những người chăm sóc các bé bị nhiễm HIV phải được trang bị kiến thức về căn bệnh này, làm thế nào để không bị phơi nhiễm để không có rào cản, kỳ thị. Cùng với đó, định kỳ hàng năm, họ phải được tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Ngoài ra, cô và trẻ được tham gia vào các sự kiện cộng đồng để góp phần tăng thêm sự thân thiết, gắn bó…
Để lắp đặt camera tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng trẻ, nhiều người cho rằng, nên dùng hình thức xã hội hóa. Còn với câu hỏi lắp đặt camera ở những nơi nào, ông Ba hiến kế: “Các trung tâm tùy theo khả năng kinh phí, trước mắt có thể lắp camera ở phòng nuôi dạy các cháu bị bệnh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, các cháu bị nhiễm HIV”.
Ảnh minh họa.
|