Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiệt đủ đường vì vàng nữ trang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mua hơn, bán kém, thiếu tuổi vàng, bị rút ruột trọng lượng... là những thiệt thòi mà người mua, bán vàng nữ trang đang phải gánh chịu.

Trang sức hiện đang được xếp vào loại hàng hóa thông thường nên nhà kinh doanh được phép tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký. Bởi vậy, nếu không may mua phải vàng trang sức thiếu tuổi, thiếu lượng, khách hàng cũng không thể khởi kiện vì chưa có quy định buộc người bán hàng chịu trách nhiệm về việc này.

Phập phù trọng lượng, chất lượng

Mang chiếc dây chuyền vàng 2 chỉ vừa mua được nửa năm đi bán, chị Nguyễn Hồng Thanh (Kim Giang, Hà Nội) đã phải dở khóc, dở mếu vì không ngờ giá trị của sản phẩm này lại chênh quá nhiều so với thời điểm chị mua. "Hồi tôi mua, cửa hàng vàng bảo đó là dây chuyền vàng ta bốn số 9 -  2 chỉ, với giá vàng thời điểm hiện tại cộng thêm công chế tác, tôi phải trả gần 9,5 triệu đồng. Nhưng giờ bán ra, có cửa hàng cân lên, nói chỉ được 1 chỉ 9 phân. Thiếu trọng lượng đã đành, lúc mua thì phải mất tiền chế tác còn khi bán thì chỉ được tính theo lượng vàng. Đúng là thiệt đủ đường" -  chị Thanh bức xúc kể. Vàng trang sức thiếu trọng lượng chỉ là một trong rất nhiều những phiền toái mà người mua, bán gặp phải trên thị trường vàng nữ trang hiện nay.

 
Thiệt đủ đường vì vàng nữ trang - Ảnh 1

Thiếu quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức đã khiến người mua, bán vàng nữ trang chịu thiệt. Trong ảnh: Mua sắm trang sức tại Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza.Ảnh: Yên Chi

Theo một số người trong giới kinh doanh vàng trang sức thì tình trạng trang sức vàng thiếu tuổi khá phổ biến. Nhiều cửa hàng báo với khách hàng là vàng 18K - tức bảy tuổi rưỡi nhưng thực tế, có khi tuổi vàng chỉ ở mức 6,8 tuổi hoặc thấp hơn. Và khi được tư vấn, báo giá, người mua thuận thì mua chứ hoàn toàn không biết chất lượng cũng như giá trị thực mà món nữ trang mình sở hữu. Thực tế, trên thị trường vàng trang sức hiện nay, hoàn toàn chưa có công cụ để khách hàng có thể kiểm tra chính xác chất lượng món hàng mình muốn mua.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh, một thực trạng nhức nhối vẫn đang tồn tại là vàng trang sức kém chất lượng được đưa ra thị trường ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngành kim hoàn Việt Nam. "Người tiêu dùng luôn có tâm lý, chất lượng vàng trang sức là lĩnh vực mà người mua luôn bị ép và bị lừa; còn người bán là những DN thì giàu lên từng ngày bởi thị trường này hiện chưa được quản lý chặt" - ông Dưng chia sẻ.

Thiếu chính sách minh bạch

Nghị định 24/NĐ - CP về quản lý thị trường vàng, trong đó gồm vàng nữ trang, có hiệu lực từ ngày 25/5/2013 nhưng đến nay, Thông tư hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn vàng trang sức mỹ nghệ vẫn bỏ ngỏ. Thị trường nội địa có rất nhiều loại vàng trang sức ví dụ như 14k, 18k, 24k. Tuy nhiên, do người tiêu dùng không biết, và vẫn mua với giá tương tự nhau. Tiêu chuẩn vàng trang sức về độ trơn, độ tráng bóng cũng không được chú trọng, khiến người mua luôn bị thiệt. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Dưng, dù các cơ quan liên quan đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra nhưng đành bó tay vì không xử lý được. Nguyên nhân là chính sách không minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn trong các tiêu chuẩn quốc gia về vàng, có tới 17 tiêu chuẩn vàng được chọn đến 4 phương pháp thử. Do vậy, khi kiểm tra ai cũng đúng theo chất lượng được công bố vì có quá nhiều cách lách chuẩn.

Ông Dưng cho rằng, Bộ KH&CN cần phải can thiệp ngay bằng những quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam.

Còn theo TS Quách Thu Nguyệt, yêu cầu đặt ra trước mắt là cần chuẩn hóa chất lượng và trọng lượng vàng trang sức. "Làm sao mà vàng nhẫn 2 chỉ, 99,99 mua ở cửa hàng A khi mang bán cho cửa hàng B, trọng lượng và tuổi vàng không bị đánh giá thấp hơn và người mua không bị ép giá và chịu thiệt" - bà Nguyệt nói. Để làm được điều này, bà Nguyệt đề xuất, nên quy định chuẩn hóa độ tuổi và trọng lượng, có sự thống nhất trên toàn quốc. Các sản phẩm vàng mua bán trên thị trường ngoài hóa đơn ghi rõ nguồn gốc, chất lượng, trọng lượng vàng cần khuyến khích cửa hàng khắc dấu tuổi vàng, tên từng sản phẩm...

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần có hệ tiêu chuẩn riêng cho vàng trang sức, mỹ nghệ và Nhà nước cần có biện pháp can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn ở Ấn Độ, hệ thống tiêu chuẩn chỉ gồm 7 độ tuổi, HongKong (Trung Quốc) và Malaysia hệ tiêu chuẩn có 5 độ tuổi...