Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mức thuế mới nhất được Mỹ công bố đã nâng tổng giá trị hàng hoá bị đánh thuế từ Trung Quốc lên mức 250 tỷ USD, tương đương 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Trong tuyên bố được đưa ra cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung lên thêm 267 tỷ USD hàng nhập khẩu, “nếu Trung Quốc có hành động đáp trả đối với người nông dân hoặc các ngành công nghiệp khác của Mỹ”.
“Trong nhiều tháng, chúng tôi đã khuyến cáo Trung Quốc cần thay đổi cách thức vận hành hoạt động thương mại và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho DN Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không sẵn sàng để thay đổi,” Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Theo nguồn tin từ New York Times, chính quyền Washington nhận định đây là thời điểm thích hợp để công bố mức thuế mới, khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng và kinh tế Trung Quốc bị chững lại.
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng giải pháp cho vấn đề tranh chấp thương mại là sự nhượng bộ từ chính quyền Bắc Kinh, bao gồm việc cho phép các công ty Mỹ tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, cũng như bỏ yêu cầu các công ty này phải chuyển giao công nghệ cho đối tác nội địa.
Bất chấp sự tự tin từ phía Mỹ, kế hoạch áp thuế mới được dự báo sẽ có tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng trong nước. Hiệp hội DN Mỹ đưa ra cảnh báo giá cả hàng tiêu dùng tại Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ không có khả năng sản xuất sản phẩm thay thế những mặt hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu từ Morgan Stanley cho thấy quyết định áp thuế của Washington sẽ làm giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay, con số có thể còn tăng cao nếu Trung Quốc đưa ra những biện pháp trả đũa.
Đáng chú ý, động thái mới nhất của Mỹ đã phủ bóng đen lên kế hoạch đàm phàn giữa quan chức thương mại 2 nước, dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 9. Ông Yang Weimin, một trong những cố vấn cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định Trung Quốc sẽ không chấp nhận đàm phán dưới sức ép.
Tuyên bố trên của ông Weimin cũng tương đồng với nhận định của ông Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell (Mỹ):”Washington cho rằng việc đưa ra các mức áp thuế cao hơn sẽ khiến Trung Quốc trở nên mềm mỏng hơn trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trả đũa với thuế suất và quy mô tương đương”.
Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước những động thái leo thang của Mỹ, cựu Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Lou Jiwei, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc có thể dừng xuất khẩu sang Mỹ các linh kiện thiết yếu đối với chuỗi cung ứng của DN Mỹ. Theo đó, ông Lou cho rằng các DN này sẽ mất nhiều năm để tìm một phương án thay thế Trung Quốc, khoảng thời gian nếu xét về mặt biến động chính trị tại Mỹ sẽ là quá dài.
Dẫu cho mức áp thuế hiện nay mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc chưa đủ để tác động mạnh lên chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát trong nước, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo sức ép sẽ gia tăng, nếu Tổng thống Trump đưa ra quyết định áp thuế đối với toàn bộ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.