Kinhtedothi - Mặc dù ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai một số chương trình hợp tác đưa nông sản, thực phẩm từ Hòa Bình về tiêu thụ tại Thủ đô, song liên kết vẫn còn rời rạc. Chính vì vậy, để chương trình hợp tác giữa hai địa phương bền vững hơn, ngoài đảm bảo nguồn cung ổn định, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát chặt chất lượng nông sản.
Cung - cầu đứt đoạn
Hòa Bình là địa phương giáp Thủ đô Hà Nội và có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất rau an toàn quy mô 10.000ha/năm, vùng sản xuất mía ổn định 10.000ha, vùng cây ăn quả khoảng 10.500ha. Thực hiện chương trình hợp tác với tỉnh Hòa Bình, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn tới thăm, làm việc và kết nối với Hòa Bình để xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sạch cho Thủ đô. Trên thực tế, một số DN phân phối của Hà Nội đã kết nối đưa nhiều nông sản đặc sản của Hòa Bình về tiêu thụ như ngọn su su, cà chua, cam Cao Phong...
Nuôi cá trên lòng hồ tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Quang Thiện
|
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen cho biết, trước đây, Công ty đã kết nối đưa rau su su, cà chua của xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc về Hà Nội tiêu thụ. Tuy nhiên, do quá trình bảo quản, đóng gói, ngọn su su bị héo, không đáp ứng yêu cầu nên lượng tiêu thụ mặt hàng này đã giảm đáng kể.
Tương tự, hệ thống siêu thị bán lẻ Fivimart (thuộc Công ty CP Nhất Nam) cũng đã "nhắm" đến mặt hàng đặc sản của tỉnh Hòa Bình, song do một số nguyên nhân đã bị đứt đoạn trong quá trình kết nối giao thương. Bà Trần Thị Phương Loan – Giám đốc Fivimart Nguyễn Trãi cho biết, hệ thống phân phối của Công ty có trên 20.000 mã hàng sản phẩm, trong đó 70% là thực phẩm. "Năm ngoái, chúng tôi đã nhập rau su su Tân Lạc, cam Cao Phong về tiêu thụ nhưng đã bị đứt đoạn. Do đó, chúng tôi mong muốn được kết nối trở lại các mặt hàng này" - bà Loan cho biết.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Hữu Tài - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hòa Bình cho biết, tỷ lệ nông sản được chứng nhận chất lượng của tỉnh còn khiêm tốn. Hiện nay, toàn tỉnh mới có trên 135ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và diện tích rau áp dụng quy trình VietGAP chỉ chiếm hơn 1%. Theo ông Tài, một số sản phẩm của tỉnh đã thâm nhập được vào thị trường Hà Nội nhưng số lượng còn khiêm tốn và chủ yếu mới về các chợ và siêu thị nhỏ, chưa được bán trên sàn giao dịch hay các siêu thị lớn.
Trong khi đó, yêu cầu của các DN Hà Nội là nông sản thực phẩm đưa về phải được sản xuất đúng quy trình an toàn, đảm bảo số lượng ổn định và được cấp giấy chứng nhận ATTP. Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng, việc hợp tác giữa các đơn vị của 2 tỉnh, TP nhằm cắt bớt khâu trung gian thương lái. Qua đó giúp người tiêu dùng mua được nông sản, thực phẩm với giá hợp lý hơn và người sản xuất cũng có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, muốn đưa nông sản về Hà Nội đều đặn, cơ quan chức năng của Hòa Bình cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tránh để xảy ra mất ATTP.