KTĐT - Đứng trong top 10 thế giới về sản lượng, có tổng công suất thiết kế lên đến hơn 300 triệu m2/năm, nhưng ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam vẫn bị xem là… yếu thế, kém sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Nguyên nhân cũng bởi chúng ta thiếu sự đầu tư bài bản cho khoa học công nghệ.
1m2 gạch Italia có giá bán gấp 6 lần gạch Việt Nam
Đó là thực tế làm đau lòng các nhà sản xuất gạch của Việt Nam, giá trị gia tăng của viên gạch ceramic Việt Nam còn quá thấp so với thương hiệu ngoại. Theo đánh giá của ông Lê Đình Quý Sơn - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Gốm sứ, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ. Hầu hết dây chuyền thiết bị chính cùng các hóa chất, phụ gia đều nhập khẩu từ Châu Âu và Trung Quốc, nên thường xuyên bị động về nguyên liệu đầu vào, giá thành sản xuất cao nên sức cạnh tranh yếu hơn sản phẩm mang thương hiệu ngoại. Về chất lượng, kiểu mẫu, chủng loại, hầu hết sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn là “sao chép” theo hàng ngoại nên chưa tạo được dấu ấn riêng để cải thiện giá trị gia tăng cho mỗi m2 gạch “made in Vietnam”.
Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam có đến 74 thành viên nhưng đến nay vẫn chưa thể “bắt tay” phối hợp trong bất kỳ một hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ nào. Các đơn vị đang hoàn toàn biệt lập trong việc nghiên cứu, tự đào tạo hoặc mua đồng bộ dây chuyền thiết bị công nghệ của nước ngoài để phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp “mạnh ai người nấy làm” nên mặc dù chi phí dành cho các hoạt động này rất cao nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng, thậm chí để chảy nguồn chất xám trong nước một cách rất đáng tiếc. Rất nhiều công trình, dự án, đề tài nghiên cứu trong nước về sản xuất gạch ốp lát công bố xong rồi lại xếp…trong tủ, không có cơ hội tiếp cận và đi sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Bắt mạch” được trực trạng ngành sản xuất gạch ốp lát nhưng để “kê đơn” chữa bệnh và muốn gia tăng giá trị cho viên gạch Việt Nam nói riêng và công nghiệp gốm sứ nói chung không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Cần doanh nghiệp dám làm
Ấp ủ niềm mong mỏi xây dựng một viện nghiên cứu, nơi tập hợp nguồn lực các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho hoạt động nghiên cứu công nghệ chuyên ngành vật liệu gốm sứ, ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam đã không ít lần kêu gọi 74 thành viên của hội góp công, góp sức để Viện có thể ra đời trong thời gian sớm nhất. Song có lẽ do chưa tìm được tiếng nói chung, hay vẫn còn những doanh nghiệp chưa sẵn lòng chia sẻ công nghệ, nên cho đến ngày Viện nghiên cứu công nghệ Gốm sứ chính thức ra mắt và làm lễ động thổ xây dựng (ngày 31/1/2010), mới chỉ có Prime Group là thành viên duy nhất “liều mình” bỏ vốn và nhân lực để hỗ trợ Viện.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch HĐQT Prime Group khẳng định, tổng vốn đầu tư ban đầu cho Viện sẽ lên đến 70 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2010, Viện sẽ đầu tư một tòa nhà nghiên cứu 2 tầng, có diện tích 2500 m2 với hệ thống văn phòng làm việc, phòng hội thảo và phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu về vật liệu gốm sứ. Lý giải về quyết định mạnh dạn đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu, ông Nghĩa cho biết: “Bất kỳ ngành sản xuất nào cũng cần liên tục đổi mới công nghệ để gia tăng hiệu quả. Bản thân Prime trong hơn 10 năm qua cũng đầu tư rất nhiều vào trang thiết bị và công nghệ, tuy nhiên đó vẫn chỉ là sự đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân. Nếu đầu tư thông qua Viện, chúng tôi còn có thể chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ về công nghệ với nhiều doanh nghiệp khác (…)”.
Prime hiện được Tạp chí World Ceramic xếp thứ 5 trong các nhà sản xuất gạch ceramic thế giới về sản lượng. Doanh nghiệp này cũng đã nghiên cứu thành công nguyên liệu Frit để sản xuất men gạch, các loại dung môi, keo định vị và mực vạch dấu để phân loại sản phẩm. Prime cũng là nhà sản xuất duy nhất tại Đông Nam Á áp dụng thành công công nghệ nghiền khô nguyên liệu thô giúp tiết kiệm năng lượng và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương…
Được biết, với sự hỗ trợ của Prime và 13 nhân sự ban đầu, Viện sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm nhằm thay thế hàng nhập khẩu; công nghệ xử lý và tinh chế một số nguyên liệu có nguồn gốc từ khoáng sản trong nước; chế tạo, cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất vật liệu gốm sứ; phát triển dịch vụ khoa học công nghệ; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật thông tin và xu hướng công nghệ gốm sứ thế giới.
“Khi Viện chính thức đi vào hoạt động và đạt được những thành tựu rõ rệt thì chắc chắn sẽ không chỉ có Prime mà rất nhiều nhà sản xuất vật liệu gốm sứ trong nước tìm đến với chúng tôi” - ông Lê Đình Quý Sơn tin tưởng.