Nỗ lực giành chính quyền của phe quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tối hôm thứ Sáu (15/7), giờ địa phương đã gây ra cảnh tượng hỗn loạn và hoảng sợ trên các con phố tại Istanbul và thủ đô Ankara. Báo cáo cho biết, các xe tăng đã khai hỏa ở gần tòa nhà quốc hội, các máy bay chiến đấu đã bắn hạ một trực thăng của phe đảo chính. Đám đông hỗn loạn đầy trên khắp đường phố của Istanbul, Ankara và một số thành phố khác bởi lệnh giới nghiêm. GS Omer Taspinar, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, và là một trong những chuyên gia chính sách nước ngoài, cho biết, sự kiện này sẽ làm chao đảo thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, làm hoen ố hình ảnh đất nước và thậm chí là làm bối rối một bộ phận giới chức cũng như người dân trước đây cho rằng, đất nước đang ổn định dưới thời ông Erdogan.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi quân đội can thiệp vào chính trị trong quá khứ, đó cũng là thời điểm khi chính phủ không được lòng dân, ông nói thêm. Bên cạnh đó, học giả viện Brookings cho rằng, câu hỏi quan trọng sau cuộc đảo chính bất thành này là, sự việc sẽ phát triển đến mức độ nào. Theo ông Taspinar, sau cuộc chính biến bất thành này, nguy cơ nguy hiểm nhất là một xung đột vũ trang đẫm máu, hay có thể hiểu là cuộc “thanh lọc” đối với quân đội mà ông Erdogan đã phát biểu trước đó. Ông Erdogan vẫn được cho là có “bàn tay sắt”, vị học giả này lưu ý. "Tôi không mong sự việc này xảy ra, nhưng nếu có, nó sẽ tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ", ông Taspinar dự báo. Ngoài ra, với vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tham gia giải quyết một số khủng hoảng toàn cầu, cuộc đảo chính bất thành lần này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch chung của các liên minh. Thứ nhất là kế hoạch chống khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia cùng Mỹ và các nước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại sau cuộc đảo chính này sẽ khiến liên minh mất đi một cơ sở thiết yếu trong khu vực, là một đòn nghiêm trọng cho các nỗ lực không ngừng chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhất là sau khi các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Bỉ, Pháp và ngay chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên gia Eric Bordenkircher - Trung tâm Phát triển Trung Đông, cho biết cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng tới hợp tác quân sự của Mỹ với Ankara. "Quân đội Mỹ sẽ cần xem liệu có nên tiếp tục hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ với một nơi thiếu an toàn hay không”, ông nói. Thứ hai, trong kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi tạm trú của 2,5 triệu người di cư bất hợp pháp đến châu Âu, theo một thỏa thuận giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU). Cuộc đảo chính vũ trang vừa xảy ra cho thấy, đây không còn là nơi an toàn để người di cư trú ngụ. Trong ngắn hạn, điều này ảnh hưởng đến thỏa thuận giữa 2 bên. Xa hơn, lãnh đạo EU sẽ phải tìm một biện pháp thay thế để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến II này.