Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/12 đã phê chuẩn đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng khối quân sự phương Tây sau 19 tháng trì hoãn, trong đó Ankara yêu cầu Stockholm nhượng bộ liên quan đến vấn đề an ninh.
Sau khoảng 4 giờ tranh luận, Ủy ban, do Đảng AK cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát, đã bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực mà Thụy Điển đưa ra năm ngoái nhằm phản ứng trước việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Bước tiếp theo là bỏ phiếu tại đại hội đồng quốc hội mà đảng cầm quyền chiếm đa số trong vài tuần tới, trước khi được Tổng thống Erdogan ký thành luật.
Người đứng đầu ủy ban Fuat Oktay hạ thấp kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng tại đại hội đồng, khi khẳng định với các báo giới rằng "Chủ tịch quốc hội sẽ quyết định vấn đề thời điểm."
Đảng AK của Erdogan, các đồng minh MHP theo chủ nghĩa dân tộc và đảng đối lập chính CHP đã bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn, trong khi đảng Hồi giáo thiểu số Felicity và đảng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu Iyi đã bỏ phiếu chống.
Trong một tuyên bố sau đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết nước này hoan nghênh động thái trên và mong muốn được gia nhập NATO.
Boris Ruge, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, cho biết trên nền tảng xã hội X rằng sự chấp thuận của ủy ban là “tin tức tuyệt vời”.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối
Ông Erdogan đã bày tỏ sự phản đối đối với yêu cầu gia nhập liên minh của cả Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 5 năm ngoái, do hai nước này vẫn ủng hộ một số lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cũng như các lệnh cấm vận thương mại quốc phòng của hai đối tác.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của Phần Lan vào tháng 4, nhưng vẫn chờ Thụy Điển có thêm bước trấn áp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm mà Liên minh Châu Âu và Mỹ cũng liệt vào danh sách khủng bố.
Đáp lại, Stockholm đã đưa ra một dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp.
Thụy Điển và các thành viên NATO Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện bước đi nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Hungary, thành viên NATO cũng chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ được coi là rào cản chính trong việc bổ sung Stockholm vào liên minh quân sự và tăng cường phòng thủ ở khu vực Biển Baltic.
Ông Erdogan đã gửi đề xuất của Thụy Điển tới quốc hội vào tháng 10, nhưng cũng đặt điều kiện Mỹ cần chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara. Sau cuộc gọi với Tổng thống Biden trong tháng này, ông Erdogan cho biết Washington đang xem xét việc phê chuẩn.
Nhà Trắng ủng hộ thương vụ này, mặc dù hiện chưa có khung thời gian rõ ràng để Quốc hội Mỹ phê duyệt. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số phản đối của quốc hội về việc trì hoãn việc mở rộng NATO.
Chính sách ngoại giao cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong 18 tháng qua cũng khiến một số thành viên NATO khó chịu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Không giống như các đồng minh, Ankara duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow cũng như Kiev, phản đối chiến dịch quân sự Nga triển khai cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.