Nhưng điều quan trọng hơn sau vụ việc khiến dư luận đặt câu hỏi, với sự thờ ơ của cán bộ quản lý huyện Ứng Hòa và thôn Liên Bạt như hiện nay, sau đình Lương Xá sẽ còn bao nhiêu di tích ở đây bị “bức tử”?
|
Đình Lương Xá đang được xây dựng lại. |
Đình Lương Xá cách UBND huyện Ứng Hòa khoảng 400m theo đường giao thông, nằm ngay trên mặt đường Quốc lộ 21B. Công nhân thi công công trình bê tông của đình làm việc vào ban ngày, nhưng không hiểu sao, một tháng sau khi hạ giải, Phó Trưởng phòng VH&TT huyện, người trực tiếp phụ trách vấn đề di sản mới hay biết. Và, hay biết rồi lại bỏ đấy.
Dường như, mọi sự cảnh báo bị làm ngơ. Một công trình di sản bị “bức tử” nhưng chỉ có người dân là xót xa, người quản lý thì thờ ơ. Trong báo cáo mới nhất của UBND huyện Ứng Hòa gửi UBND TP và Sở VH&TT cũng giải trình một cách chung chung và kèm thêm đề xuất… Sở VH&TT hỗ trợ địa phương hoàn thành thủ tục tu bổ. Không hiểu do cán bộ địa phương không có kiến thức về di sản hay do cố tình. Kiểm tra thực trạng cũng đủ nhận biết di tích 300 tuổi hạ giải theo kiểu san phẳng thì còn gì mà tu bổ? Ứng Hòa còn rất nhiều di tích có giá trị, với thái độ ứng xử với di sản như hiện nay sẽ không hiểu sau Lương Xá sẽ là đình nào bị bê tông hóa?
Khái niệm “thảm họa trùng tu di tích” không còn xa lạ với dư luận. Ngắn gọn, đó là câu chuyện của những di tích được trùng tu một cách ồ ạt theo kiểu “hiện đại hóa” và hoàn toàn thiếu vắng sự hỗ trợ về chuyên môn. Để rồi, dù đã hoàn thành hay chỉ kịp thực hiện một phần, những di tích ấy bỗng trở nên kệch cỡm, lòe loẹt và hoàn toàn đánh mất lớp giá trị văn hóa - lịch sử từng có. Lỗi không phải tại Nhân dân mà chủ yếu là những người trực tiếp nắm giữ, quản lý di sản.