Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoái vốn Nhà nước, lợi nhiều đường

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, liên tục các đợt bán đấu giá cổ phiếu nhằm thoái vốn Nhà nước tại một số DN đã được thực hiện và đem lại những kết quả ngoài mong đợi.

Trong tháng cuối cùng của năm 2017, tiến độ thoái vốn dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc với nhiều tên tuổi DNNN lớn đã chốt ngày giao dịch như: Sabeco, Vinaconex, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
 Ảnh minh họa
Có thể thấy, với việc thay đổi cách bán vốn, tiếp cận nhà đầu tư, lựa chọn thời điểm bán vốn và vị thế của DN…, các đợt đấu giá cổ phiếu thoái vốn Nhà nước gần đây đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn cử gần đây nhất, thương vụ thoái vốn tại Vinamilk đã thành công ngoài mong đợi khi giá trị mà Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC thu về vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Thời gian qua, đón thông tin từ Bộ Công Thương trong việc thoái vốn tại Sabeco, cổ phiếu DN này đã tăng phi mã lên trên 318.000 đồng/CP - mức cao nhất của cổ phiếu này 10 năm trở lại đây. Cổ phiếu DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng bùng nổ khi Bộ Xây dựng thông báo bán hết 49,65% vốn điều lệ tại DN này. Các mã hàng thực hiện việc thoái vốn khác như FPT, Nhựa Bình Minh, Vinaconex… cũng liên tục thăng hoa. Với sức hấp dẫn của Vinamilk, Platinum Victory, Công ty con của Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle&Carriage (JC&C) đã chi gần 9.000 tỷ đồng để ôm trọn hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM (tương đương 3,33% cổ phần Vinamilk). Tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Sabeco tại Singapore và Anh mới đây, không chỉ các nhà đầu tư lẻ, các quỹ đầu tư mà nhiều hãng đầu tư lớn đã dành sự quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc bán vốn tại hàng loạt DN lớn đã mang về cho ngân sách một khoản tiền lớn để đầu tư cho các nguồn lực quốc gia. Cụ thể, thoái 53% vốn tại Sabeco theo tính toán của Bộ Công Thương có thể thu về trên 100.000 tỷ đồng; thoái vốn đợt 2 tại Vinamilk đưa về gần 9.000 tỷ đồng. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ sắp xếp 240 DNNN, trong đó cổ phần hóa 137 DN. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, dự kiến số cổ phần Nhà nước bán ra đạt tối thiểu hơn 296.362 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc thoái vốn Nhà nước tại các DN đã mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường, nhà đầu tư và ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, khi Nhà nước rút chân khỏi các DN không cần nắm giữ cổ phần chi phối, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia quản trị sẽ tạo nên một luồng gió mới trong đổi mới và phát triển DN. Đặc biệt, việc tham gia của các ông lớn nước ngoài với năng lực quản trị quốc tế sẽ giúp DN tiệm cận với các chuẩn mực cao hơn, kỳ vọng sẽ giúp các DN Việt cất cánh.

Từ trước đến nay, câu chuyện “câu giờ” thoái vốn vì tâm lý sợ mất ghế, mất quyền lực đang là lực cản “níu chân” tiến độ thoái vốn. Tuy nhiên, hiệu quả rõ rệt từ những thương vụ thoái vốn thành công trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy, thoái vốn DNNN là một chủ trương đúng đắn. Và khối DN tư nhân đã đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.