Nuôi dê đơn giản lại cho hiệu quả kinh tế cao nên không ít hộ đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tận dụng địa thế có vùng đồi núi rộng, nguồn thức ăn từ lá cây tự nhiên dồi dào, người dân An Phú nuôi dê bằng hình thức chăn thả tự nhiên hoặc nuôi nhốt bán chăn thả. Ở An Phú, nhà nhiều thì nuôi 50 - 70 con, nhà ít nuôi vài ba con. Tính ra, nuôi dê lãi hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác, nhanh thu hồi vốn, không sợ ế hàng. Theo kinh nghiệm những người nuôi lâu năm, dê không khó nuôi nhưng mẫn cảm với thời tiết, người nuôi cần cẩn thận, tỉ mỉ, nhất là trong những thời điểm chuyển mùa.Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết, xã có diện tích hơn 2.200ha, trong đó có 560ha rừng thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn và 800ha rừng trồng trên những dãy núi đá vôi nên rất thuận tiện cho việc chăn nuôi dê núi. Hiện, cả xã có 70 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 1.200 con, cho hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở 2 thôn Thanh Hà và Đồng Chiêm. Dê núi thương phẩm ở An Phú đang đươc bán với giá trung bình 130.000 đồng/kg, hiệu quả gấp nhiều lần nuôi lợn.Hộ gia đình anh Lê Văn Tiến, ở thôn Thanh Hà đang nuôi 70 con dê ở sâu trong núi. Anh Tiến chia sẻ: “Dê là loài sinh sản nhanh, dê cái 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con nên người nuôi có điều kiện nhân đàn nhanh. Nuôi dê rất thuận lợi nhờ địa phương có những dãy núi đá nên chúng tự leo trèo lên núi kiếm ăn. So với vật nuôi khác, nuôi dê hiệu quả hơn bởi không tốn công chăm sóc, chi phí thấp”. Vào mùa Đông, cây lá ít, anh Tiến còn cho dê ăn thêm chút cám, uống thêm nước ấm pha muối để dê nhớ đường về. Hiện nay, không chỉ cung cấp dê thịt, anh Tiến còn bán dê giống và sẵn sàng giúp đỡ các hộ trong thôn về kỹ thuật, cách chăm sóc đàn dê. Không chỉ nuôi dê, gia đình anh Tiến còn nuôi 5.000 con gà, 200 con vịt đẻ, hàng chục con bò, trâu và ao cá... cho thu lãi trung bình mỗi năm từ 250 – 300 triệu đồng.Theo ông Nguyễn Mạnh Ngự, nhờ phát triển chăn nuôi đa dạng loại vật nuôi thay thế chăn nuôi lợn mà hiệu quả kinh tế của địa phương tăng lên rõ rệt. Đến hết năm 2018, xã đã đạt và cơ bản đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 15%. Ngoài mô hình nuôi dê, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tặng 30 con bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nhân rộng mô hình nuôi dê thông qua hỗ trợ vốn mua con giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ sản xuất. Bài, ảnh: Bình Minh