Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời cơ vàng lập lại trật tự đô thị

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai hiệu quả “Năm trật tự và văn minh đô thị”, bộ mặt đô thị các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô đã có những thay đổi tích cực theo hướng ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Bước sang năm 2017, với sự ra đời của các Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch.... “nhắm” thẳng vào những tồn tại trong công tác quản lý, bộ mặt đô thị được kỳ vọng tiếp tục sẽ chuyển mình mạnh mẽ và bền vững. Thậm chí, với nhiều người, đây là “thời cơ vàng”, “thời điểm có một không hai”... để lập lại trật tự đô thị tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Những văn bản mang tầm vĩ mô
Phải khẳng định, công tác quản lý trật tự đô thị (TTĐT), vệ sinh môi trường (VSMT) từ lâu đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các lực lượng chức năng TP nhằm xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp. Năm 2017, phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như sự ra đời của những Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch mới “nhắm” thẳng vào những hành vi vi phạm, những lỗ hổng trong công tác quản lý TTĐT, VSMT, bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến mạnh mẽ được Nhân dân ghi nhận.

Vỉa hè phố Láng Hạ, quận Đống Đa thông thoáng, xe máy để gọn gàng tạo không gian cho người đi bộ. Ảnh: Phạm Hùng

Còn nhớ, ngày 1/2/2017, khi Nghị định 155 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, nhiều người cho rằng, những quy định trong Nghị định sẽ sớm rơi vào quên lãng vì phạt... không xuể. Tiếp đó, ngày 3/2, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị 01/CT – UBND về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của cán bộ công chức và cơ quan hành chính Nhà nước. Chưa hết, đầu tháng 3 vừa qua, UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch 01 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, TTĐT, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trong năm 2017. Theo nhiều chuyên gia, những mục tiêu của Kế hoạch 01 đề ra không mới, đó là vấn đề mà các lực lượng chức năng đã thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi có sự kết hợp với những Nghị định, Chỉ thị mới... đây đã trở thành một “bài toán” nâng cao trong công tác quản lý TTĐT, VSMT. Và thực tế cho thấy, sau hơn một tháng cao điểm lập lại TTĐT, đi trên nhiều tuyến đường, người dân đã có chung một nhận xét, đường sá Hà Nội giờ đã thông thoáng, gọn gàng, ngăn lắp hơn trước rất nhiều.
Hiệu quả của “liều thuốc đắng”
Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh việc các cấp, ngành kịp thời ban hành các quy định xử phạt, quy trách nhiệm của các lực lượng trong công tác quản lý TTĐT thì không thể kể đến những chỉ đạo sát sao của người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng như các lực lượng chức năng. Trưởng Phòng CSTT - Công an TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đình cho biết, sau 3 năm thực hiện năm văn minh đô thị, bộ mặt TP đã có thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bày bàn ghế, hàng hóa, trông giữ phương tiện trên hè phố gây cản trở giao thông, ảnh hưởng trật tự vẫn còn. Cùng với đó, vị Trưởng Phòng CSTT cũng đưa ra một thống kê khiến không ít người giật mình. Cụ thể, theo ông Đình, toàn TP có 939 điểm trông xe ở vỉa hè, lòng đường, trong đó có 244 điểm không phép. Đặc biệt, gần 400 điểm trông xe nằm trước cửa cơ quan, trường học và đa số không phép. Và thực tế cho thấy, cơ quan càng to, vi phạm càng nhiều.
Ngay sau hội nghị này, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đem đến những hiệu quả tức thì. Tại nhiều nơi, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, chính quyền các địa phương đã đồng loạt tổ chức ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là 14 đối tượng được nêu đích danh... chuyên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Từ đó, bộ mặt đô thị trên địa bàn TP đã có sự biến chuyển mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào, tính đến thời điểm này.
Còn đó những lo âu
Thực tế cho thấy, việc xử lý các vi phạm TTĐT, đặc biệt là hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh không phải việc khó đối với các lực lượng chức năng. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất, khó khăn nhất đó chính là việc duy trì những kết quả đã đạt được. Nói như vậy là bởi, đã từ lâu kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã là nguồn thu chính của nhiều gia đình ở Thủ đô. Và khi làm nghiêm, lực lượng chức năng sẽ vấp phải sự phản đối, đối phó của người vi phạm. Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra trong đợt cao điểm này.
 Vỉa hè phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm thông thoáng tạo không gian cho người đi bộ. Ảnh Phạm Hùng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi các lực lượng chức năng tập trung xử lý tình trạng dừng đỗ phương tiện sai quy định, vi phạm đang có xu hướng dịch chuyển. Cụ thể, thay vì vi phạm trên những tuyến đường chính, những tuyến đường có tên, nơi có biển cấm... như trước, nhiều phương tiện đã chuyển vào dừng đỗ tại các tuyến đường không tên, những tuyến đường trong khu đô thị. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số địa phương chia sẻ, việc các phương tiện di chuyển địa bàn vi phạm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý tình trạng trên gặp rất nhiều khó khăn do không có chế tài xử phạt.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ đối mặt với “cuộc di cư” của các vi phạm, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp không ít khó khăn đến từ phía người vi phạm. Tại nhiều nơi, cùng với việc công khai phản ứng, nhiều hộ kinh doanh tại những điểm nóng về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh đã thuê người theo dõi, thông báo lộ trình di chuyển của các lực lượng chức năng để tránh bị xử phạt. Những bất cập này đã khiến công tác quản lý TTĐT tại nhiều nơi, nhiều lúc gặp không ít khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lộc – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho rằng, lập biên bản xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng, biện pháp bất đắc dĩ. Điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần tìm được tiếng nói chung với người dân. Và để làm được điều này, các đơn vị có chức năng cần lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để việc lập lại TTĐT nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tránh tình trạng dẹp chỗ này, phình chỗ khác.