Nhà mạng đã sẵn sàng
Ngay sau khi nhận thông tin sẽ được cấp phép triển khai dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động Mobile money, Phó Tổng giám đốc VNPT - Media Nguyễn Sơn Hải hồ hởi cho biết: “Chỉ cần 1 tháng sau khi được cấp phép, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ ra thị trường. VNPT sẽ phủ dịch vụ Mobile money tới 100.000 điểm bán của Tổng công ty, tiến tới thương mại điện tử và merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ)".
Cần làm rõ quy trình phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và vận hành dịch vụ Mobile money từ NHNN với các bộ, ngành liên quan. Các cơ quan chức năng phải hoàn thiện về pháp lý và công nghệ; làm khuôn khổ định hướng để xử lý các hành vi sai trái trên dịch vụ này. TS Nguyễn Minh Phong |
Viettel, một trong ba đơn vị sẽ đi tiên phong trong triển khai Mobile money tại Việt Nam khẳng định đã chuẩn bị mọi nguồn lực và tận dụng những lợi thế sẵn có để triển khai thử nghiệm Mobile money ngay khi được cấp phép, tiến tới phổ cập thanh toán số, tài chính số tại Việt Nam. “Đến thời điểm này, Viettel đã sẵn sàng hạ tầng, cả về hệ thống công nghệ và mạng lưới các điểm hỗ trợ người dùng nạp/ rút tiền trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị về nguồn nhân lực, bao gồm đội ngũ kỹ thuật vận hành sản phẩm, đội ngũ quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng,…” -
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt cho biết. Với lợi thế sẵn có là 70 triệu khách hàng viễn thông, 200.000 điểm giao dịch, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực, Viettel sẽ ngay lập tức tối ưu được các tính năng, tiện ích của Mobile money.
Một nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ Mobile money khác là MobiFone cũng cho biết lợi thế đang sở hữu hàng chục nghìn điểm giao dịch trên khắp cả nước thay vì mở điểm giao dịch mới sẽ giúp nhà mạng này giảm các chi phí xã hội để phát triển hệ thống các điểm giao dịch, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các nhà mạng dự kiến không thu phí người sử dụng Mobile money trong giai đoạn đầu.
Hạn chế rủi ro
Hiện nay, các phương thức thanh toán bao gồm 3 nền tảng chính là ví điện tử, ứng dụng ngân hàng số, thẻ ngân hàng và Mobile money. Tuy vậy, theo đánh giá của các ngân hàng, cả 3 phương thức thanh toán trên đều tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, hạn chế của ví điện tử là phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Hạn chế của thẻ ngân hàng là phải có thẻ vật lý và hệ thống POS mới thanh toán được, ứng dụng ngân hàng cũng khá phức tạp để sử dụng và mới chỉ 30% dân số tiếp cận dịch vụ này. Mobile money lại phức tạp về quản lý dòng tiền…
Do đó, các cơ quan quản lý trực tiếp cần ban hành hướng dẫn về Mobile money để cung cấp khung pháp lý cần thiết nhằm bảo đảm sự an toàn trong quá trình sử dụng. Đầu tiên là những hướng dẫn minh bạch hóa mối quan hệ giữa nhà khai thác mạng di động và ngân hàng đối tác. Tiếp theo đó là sự cụ thể trong quyền và nghĩa vụ của nhà mạng và người sử dụng nền tảng. Đặc biệt, bài học về dùng thẻ cào điện thoại đánh bạc, khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định về hạn mức thanh toán, thực hiện hành vi rửa tiền, đánh bạc... (theo quy định của NHNN, hiện tại giao dịch qua ví điện tử bị giới hạn 100 triệu đồng/tháng, qua Mobile money dự kiến 10 triệu đồng/tháng).
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Digital Phạm Trung Kiên, Viettel có riêng một Công ty An ninh mạng để bảo đảm an toàn thông tin người dùng trên không gian mạng, không riêng dịch vụ viễn thông. Cũng theo ông Kiên, Viettel hiện làm chủ hệ thống Online Charging System - tương đương hệ thống core ngân hàng, có năng lực xử lý giao dịch thanh toán quy mô lớn.
Ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, bản chất của Mobile money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động nên không lo về sim rác. Ngoài ra, số tiền của khách hàng đưa vào tài khoản Moblie money, nhà mạng bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng để ký quỹ theo tỷ lệ 1:1 nhằm bảo đảm khả năng thanh toán, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán, chuyển khoản của khách hàng.