Thực tế ấy không hiếm gặp, khiến nhiều người lo ngại, những thói quen ứng xử sẽ theo trẻ trong suốt quá trình định hình nhân cách và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời sau này. Bởi ngay từ những năm đầu đời, trước khi trở thành con người của cộng đồng, trong mỗi gia đình, trẻ là một thành viên bình đẳng trong các mối quan hệ với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Ngoài tình yêu thương, trẻ rất cần được dạy dỗ cách ứng xử phù hợp tình huống và bài học sơ khai nhất nhưng rất quan trọng chính là biết nói những lời "cám ơn và xin lỗi" một cách chân thành đúng lúc và đúng chỗ.
Trẻ nhỏ rất hay quan sát và bắt chước cha mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hằng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy là tấm gương cho con noi theo. Hãy cho trẻ thấy sự cảm thông, yêu thương của những người lớn đối với nhau và đối với trẻ. Cho dù đó chỉ là một việc nhỏ nhặt, bạn hãy nói xin lỗi và cám ơn đúng lúc để trẻ thấy được đó là việc nên làm. Ngay cả khi trẻ làm giúp người lớn một việc nhỏ, đừng coi rằng đương nhiên mà hãy nói cảm ơn. Và người lớn không nên lấy quyền để át đi những việc mình sai, quên lời xin lỗi với trẻ. Hãy kiên nhẫn giải thích cho trẻ hơn là bắt trẻ phải thực hiện mệnh lệnh. Trẻ cần nhận thức được vì sao phải nói cảm ơn, xin lỗi trong tình huống cụ thể. Nên tránh hết mức việc bắt trẻ nói ra những cụm từ đó như một cái máy, điều này vô tình biến trẻ thành người dễ bão hòa cảm xúc và khó phân biệt đúng, sai. Trẻ học được nhanh chóng nhất và có thể lưu lại điều đó trong trí nhớ lâu hơn qua chính tấm gương thấy được hằng ngày.