Bác sĩ tăng ca liên tục
Mới sáng sớm, cánh cổng của Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn tấp nập người qua lại, khá đông bệnh nhân có mặt tại sảnh chờ lấy số khám bệnh. Tại Khoa Nhi, sổ khám bệnh xếp thành từng chồng.
Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cho biết, những ngày qua, do ô nhiễm không khí kéo dài, bụi mịn tăng cao khiến sức khỏe của gia đình chị bị ảnh hưởng.
“Mấy ngày nay, cả hai vợ chồng tôi có biểu hiện ho nhiều, sốt nhẹ. Trong khi, hai con trai đều thấy khó thở, sốt cao liên tục gần 40oC. Sáng nay, tôi cũng phải xin cho 2 con nghỉ học để tới đây khám sớm, vì sợ đông” - chị Hằng chia sẻ.
Số lượng bệnh nhân đông, vì thế các bác sĩ nơi đây cũng bị cuốn mình vào guồng quay công việc, phải tăng ca liên tục, gần như không có thời gian nghỉ trong những ngày này. Theo bác sĩ Phạm Thị Như Hoa - Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, thời tiết chuyển mùa cùng với ô nhiễm không khí nên trong đợt cao điểm này, Khoa Nhi tiếp nhận lên tới 200 bệnh nhi/ngày, gần gấp 3 lần so với ngày thường. Trong đó, đa phần trẻ đều nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao.
Đặc biệt, nhiều trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản. Lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng cao. Kết quả thăm khám, nhiều bé bị viêm phế quản, thậm chí viêm phổi hoặc nhiễm virus cúm. “Liên quan tới đợt dịch sốt xuất huyết và dịch cúm A, BV cũng đã tiếp nhận hàng trăm ca bệnh, trung bình, mỗi ngày khoảng 50 - 60 ca, số lượng bệnh nhi nhiều nhất”- bác sĩ Hoa cho biết.
Tại Khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn cũng trong tình trạng tương tự. Thời gian qua, bệnh nhân nhập viện có lúc tăng tới 20 - 30% so với trước, chủ yếu mắc bệnh liên quan đến hô hấp.
Phòng bệnh đúng cách
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại BV Phổi T.Ư, tuy lượng bệnh nhân không tăng đột biến nhưng lại có rất nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có nhiều ca viêm phổi, phải cấp cứu. Ông Nguyễn Đình Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết, ông bị viêm phế quản mạn tính gần 10 năm nay. Hầu như năm nào, ông cũng phải tới BV 1 - 2 lần. Nhưng năm nay có thể do không khí ô nhiễm, thời tiết thất thường khiến ông phải nhập tới viện 4 lần với những biểu hiện đau họng, khó thở, ho nhiều, đờm đặc hơn ngày thường.
Còn tại BV Nhi T.Ư, số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến. Từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần, BV tiếp nhận từ 100 - 130 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm với các mức độ khác nhau.
TS Ðỗ Thiện Hải - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư, cho biết, hơn tuần qua, ngày nào BV cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10 - 20% số bệnh nhân so với thời gian trước đó. Để đáp ứng với tình trạng gia tăng số bệnh nhi mắc bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là cúm, BV phải dành hẳn Khoa Điều trị tự nguyện B và Trung tâm Y học lâm sàng Nhiệt đới Nhi khoa để tiếp nhận khám và phân loại điều trị bệnh nhân cúm.
TS Ðỗ Thiện Hải cũng dự báo, cúm là bệnh đặc trưng của mùa Đông Xuân nên số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. “Để phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt dịch cúm ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý các phương án bảo hộ như đeo khẩu trang, sử dụng khăn quàng cổ, mũ cho bé để tránh lây bệnh” - TS Hải nhấn mạnh.
"Thời điểm hiện nay là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, nhưng tuyệt đối không ra ngoài trời lúc sáng sớm, đặc biệt không ra ngoài khi thời tiết được cảnh báo ở mức độc hại. Với những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ..." - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai - PGS.TS Chu Thị Hạnh |