Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam tin cậy, tích cực và trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Washington D.C.(Hoa Kỳ). Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Washington D.C.(Hoa Kỳ). Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, vào khoảng 1 giờ 45 phút sáng 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thủ đô Washington (Hoa Kỳ) bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 17/5.

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quân sự Andrew có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam.

Đây là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ ASEAN kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ

Quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ chính thức thiết lập năm 1977 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần 3 ngày 21/11/2015. Hoa Kỳ thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại ASEAN vào tháng 6/2010 và cử Đại sứ chuyên trách tại ASEAN vào tháng 4/2011.

Với cơ chế như Hội nghị Cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-Hoa Kỳ, Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao/Quan chức Cao cấp (SOM), Ủy ban Hợp tác chung (JCC), các hội nghị, cuộc họp hợp tác chuyên ngành các cấp..., ASEAN và Hoa Kỳ đã và đang triển khai hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển, dựa trên Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2025.

Hoa Kỳ tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì như ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+); cam kết ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tháng 7/2009. Hai bên đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng...

Về kinh tế, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 308,3 tỷ USD, tổng FDI vào ASEAN đạt 34,7 tỷ USD năm 2020.

Hợp tác kinh tế, thương mại hai bên hiện được triển khai thông qua Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN- Hoa Kỳ (TIFA) và Chương trình làm việc về Sáng kiến hợp tác kinh tế mở rộng (E3), tập trung thúc đẩy hỗ trợ thương mại, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, sáng tạo và kinh tế số...

Về văn hóa-xã hội, hai bên cam kết thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác về quản trị tốt, nhân quyền và tôn giáo, chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi lao động di cư và tăng quyền phụ nữ. Hoa Kỳ đang triển khai nhiều chương trình phát triển, kết nối con người với ASEAN.

Trong hợp tác phát triển, Hoa Kỳ triển khai 2 chương trình hợp tác là Tăng trưởng bao trùm trong ASEAN thông qua Sáng tạo, Thương mại và Thương mại điện tử (IGNITE); Đối tác về Tối ưu hóa hợp tác khu vực trong khuôn khổ Cộng đồng Chính trị An ninh và Văn hóa-Xã hội (PROSPECT). Về ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi, ASEAN và Hoa Kỳ chủ động, tích cực phối hợp ứng phó dịch Covid-19 ngay khi mới bùng phát, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nâng cao năng lực, hỗ trợ nhau khắc phục những hậu quả kinh tế-xã hội của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững.

Hoa Kỳ công bố các đề xuất, sáng kiến hợp tác, hỗ trợ ASEAN ứng phó COVID-19 như Sáng kiến Tương lai y tế ASEAN, lập Nhóm Đặc trách phòng, chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, lập Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN-Hoa Kỳ; công bố đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19 và cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF).

Đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ công bố đã cung cấp hơn 42 triệu liều vaccine và hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho các nước ASEAN nhằm ứng phó COVID-19. Hoa Kỳ cũng đã mở Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội vào ngày 25/8/2021.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên sẽ diễn ra từ ngày 12-13/5/2022. Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cùng nhìn lại, đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, hai bên cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững...

Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị với thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam chân thành, tin cậy, bình đẳng và cùng phát triển, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, cùng hướng tới phồn vinh.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ

Sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai bên tiếp xúc và điện đàm ở các cấp dưới hình thức phù hợp trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập và thịnh vượng", tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, y tế, năng lượng.

Kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hai bên tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; đồng thời tiếp tục duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại.

Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điển hình là, Tập đoàn Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...

Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina. 

Cùng với đó, hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải.

Trong các cuộc trao đổi, hai bên đánh giá cao quan hệ song phương nói chung và hợp tác an ninh-quốc phòng nói riêng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong nhiều nội dung quan trọng. Hai bên cũng ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ Việt Nam và Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự tổng quát (GSOMIA), tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn thời gian tới.

Trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên. Theo đó, hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA), tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, xử lý dioxin, hỗ trợ người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh.

Hợp tác giáo dục cũng đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.

Hợp tác y tế và ứng phó COVID-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch và bảo hộ công dân. Việt Nam tích cực vận động phía Hoa Kỳ hỗ trợ ứng phó COVID-19.  Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vaccine, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX. Phía Hoa Kỳ chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine Pfizer...

Hai nước tiếp tục phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mekong, Myanmar, Triều Tiên, phòng, chống đại dịch COVID-19; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.

Đánh giá về ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam tới Hoa Kỳ từ 11-17/5/2022, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Marc E.Knapper cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ đối tác bền chặt. Sự hợp tác sâu rộng giữa hai quốc gia đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển mạnh mẽ hơn. Lịch trình bận rộn của phái đoàn Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đối với cả hai quốc gia, với nhiều hoạt động ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh-quốc phòng, thương mại và phát triển.

Đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc

Trong 45 năm qua kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (tháng 9/1977), Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc, nổi bật là thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hệ thống phát triển Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2017-2021, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam hơn 423 triệu USD. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc.

Việt Nam đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Việt Nam cũng đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho COVAX.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải methane, Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 và 1 đội công binh; là một trong những nước có tỉ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.

Hiện hai bên đã thông qua Khung hợp tác chiến lược Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026 với các lĩnh vực trọng tâm là phát triển xã hội bao trùm, chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường, chuyển đổi nền kinh tế và quản trị với tổng ngân sách hơn 542 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với giai đoạn 2017-2021.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Liên hợp quốc sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng cả về tính biểu tượng và thực chất.

Về biểu tượng, chuyến thăm một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vai trò của ngoại giao đa phương, hệ thống đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang đứng trước thách thức phức tạp chưa từng có; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời còn là sự tiếp nối các hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta tại Liên hợp quốc sau khi Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Về thực chất, đây là cơ hội rất quan trọng để hai bên trao đổi về các định hướng lớn, tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan Liên hợp quốc, sau 45 năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này. Trong đó, hai chủ đề được Liên hợp quốc quan tâm rất lớn là thúc đẩy quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 và việc triển khai thực hiện các cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyến công tác với nhiều hoạt động quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ nhằm thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng khóa XIII về "tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế" cũng như Chỉ thị của Ban Bí thư về "đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030."

Chuyến công tác cũng góp phần khẳng định sự đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; đề cao vị trí, vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ; thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực. Chuyến công tác cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, góp phần vì hòa bình, ổn định trên thế giới, góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả Việt Nam-Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2022).