Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp nào sau ý tưởng "phát triển đa tốc" của EU?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng “phát triển đa tốc” là một sự công nhận ngầm về việc tồn tại của các khác biệt không thể hàn gắn hay xóa nhòa giữa các quốc gia thành viên.

Chia rẽ chồng chia rẽ
Ngày 25/3 tới là tròn 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome - văn kiện lịch sử tạo nền móng thành lập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, hy vọng EU có thể truyền tải một thông điệp đoàn kết vào đúng dịp khối tròn 60 tuổi đang phải đối mặt với nhiều sức ép, mà thể hiện rõ nhất là kết quả của Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần qua.
Thủ tướng Ba Lan Beata (giữa) không ký vào tuyên bố chung sau Hội nghị. 
Châu Âu thống nhất là điều các nước thành viên EU đang hướng tới, sau hàng loạt chia rẽ mà khối đang phải đối mặt gần đây liên quan đến vấn đề di cư, tăng trưởng, đặc biệt sau quyết định rời khỏi khối của Anh. Tuy nhiên, chỉ riêng việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đã thể hiện những khác biệt khó có thể lấp đầy do nhiều quan điểm trái ngược. Đại diện Ba Lan đã bày tỏ quan điểm phản đối việc tái bổ nhiệm ông Donald Tusk vào vị trí Chủ tịch EC vì cho rằng điều này sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của khối. Bất chấp lá phiếu phản đối của chính quốc gia của mình, ông Tusk vẫn nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên còn lại để kéo dài thêm một nhiệm kỳ 30 tháng nữa.
Phản ứng với kết quả này, Thủ tướng Ba Lan Beata đã cáo buộc kết quả biểu quyết của EC đã không cân nhắc tới quan điểm của Ba Lan và điều này bộc lộ rõ sự khiếm khuyết của EU. Người đứng đầu Ba Lan cảnh báo sẽ xuất hiện những chia rẽ mới ngay trong nội bộ khối nếu những khiếm khuyết này không được khắc phục. Kết thúc Hội nghị, EU đã không thể đưa ra một tuyên bố chung do vấp phải sự phản đối từ Ba Lan. Đại diện EC cũng thừa nhận, các nước thành viên của EU đã thất bại trong việc đạt được sự đồng thuận trong hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thông điệp sau ý tưởng “phát triển đa tốc”
Ngoài sự bất đồng xung quanh vị trí Chủ tịch EC, các quốc gia thành viên EU cũng không tìm được tiếng nói chung về ý tưởng “phát triển đa tốc” được đưa ra với quan điểm các quốc gia thành viên có thể tự quyết tốc độ hội nhập nhanh hoặc chậm hơn một số quốc gia khác. 
 EU đã thừa nhận sự khác biệt tồn tại trong nội bộ khối.
Thực chất, ý tưởng “phát triển đa tốc” là một sự công nhận ngầm về việc tồn tại của các khác biệt không thể hàn gắn hay xóa nhòa giữa các quốc gia thành viên. Sau sự ra đi của Anh, lãnh đạo EU đã phải cay đắng chấp nhận thực tại rằng, những nền kinh tế lớn đang gặp phải khó khăn khi buộc phải “bao cấp” cho một số thành viên nhỏ hơn.
Lật ngược quá trình thành lập liên minh, ban đầu, EU chỉ gồm một số nền kinh tế lớn như Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Italia. Tuy nhiên, đến năm 2004, khối kết nạp thêm một loạt các nước Đông Âu, vốn là khu vực có nền kinh tế kém phát triển hơn các “ông lớn” Tây Âu. Sở dĩ có sự kết nạp này là do EU muốn tạo sức ép kinh tế cũng như quân sự đối với Nga, thông qua việc kết nạp và các hỗ trợ kinh tế với các nước Đông Âu có biên giới sát Nga. Đến thời điểm hiện tại, khi khoảng cách trong trình độ phát triển vẫn chưa thể san bằng, EU đã phải sử dụng ý tưởng “một khối 2 tốc độ” như  một giải pháp. Theo đó, nhóm các quốc gia thành viên có tốc độ nhanh hơn có thể tăng cường mối quan hệ với các quốc gia độc lập không nằm trong khối. Vì vậy, chính sách này tất nhiên được các nước lớn trong khối như Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha ủng hộ, nhưng một số nước Bắc và Đông Âu lo ngại ý tưởng này có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây bất lợi cho nhóm chậm hơn.