Học Nho, quy y Phật
Theo Thiền Uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư thì thiền sư Khuông Việt - Ngô Chân Lưu tên thật là Ngô Xương Tỷ, sinh năm 933, là con cháu thuộc dòng dõi đế vương, lúc nhỏ “tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng”. Ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và là anh trai của sứ quân Ngô Xương Xí, tức là cháu đích tôn của Tiền Ngô vương Ngô Quyền.
Ngô Xương Tỷ ra đời dưới thời cai trị của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ - cha vợ của ông nội ông là Ngô Quyền. Năm 937, Kiều Công Tiễn ở Châu Phong tổ chức binh biến, giết chết Dương Đình Nghệ và lên nắm quyền, tự xưng Tiết độ sứ. Kiều Công Tiễn bị hào trưởng các địa phương phản ứng mạnh mẽ, thậm chí cả trong chính nội bộ họ Kiều.
Năm 938, Ngô Quyền đem quân từ châu Ái ra Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, xưng vương và tiếp đó đánh thắng vang dội quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc hơn một 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phong kiến tự chủ cho Việt Nam.
Năm 944, Ngô Quyền qua đời. Dương Tam Kha làn con trai và là em (anh?) vợ của Ngô Quyền lợi dụng Ngô Xương Ngập là con trai trưởng của Ngô Quyền còn nhỏ, chưa đủ sức nắm triều chính đã chiếm ngôi của nhà Ngô, xưng là Dương Bình Vương.
Ngô Xương Ngập phải trốn chạy về nhà hào trưởng Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương rồi lấy con gái ông này làm thiếp và sinh ra con trai Ngô Xương Xí. Dương Tam Kha lên ngôi, ra lệnh truy bắt Ngô Xương Ngập rất gắt gao nhưng không thành. Nhiều người cho rằng chính trong giai đoạn bị truy đuổi gắt gao này, Ngô Xương Ngập đã phải đổi tên cho con trai cả Ngô Xương Tỷ thành Ngô Chân Lưu rồi gửi vào chùa Khai Quốc (Trấn Quốc ngày nay) để theo học thiền sư Vân Phong và tránh nạn.
Đây là một quyết định có ý nghĩa bước ngoặt cuộc đời của Ngô Xương Tỷ, không chỉ là chuyển từ Nho sang Phật mà cái chính là bắt đầu một nhận thức mới về bổn phận với dân với nước. Được theo học một thiền sư đắc pháp, lại sẵn có tư chất thông minh, nên danh tiếng của thiền sư Ngô Chân Lưu nhanh chóng được lan truyền khắp nơi.
Thiền Uyển tập anh ghi: “Năm 40 tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng thống. Năm Thái Bình thứ 2 (971), Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư”; còn trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 (971). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư…”.
Nhập thế thành công
Cho đến nay, tư liệu về những gì đại sư Ngô Chân Lưu đóng góp triều đình và đất nước không được lưu lại nhiều ngoài những dòng ít ỏi trong Đại Việt sử ký toàn thư và Thiển Uyển tập anh. Nhưng chắc chắn, là người đầu tiên được phong cho chức Tăng thống (đứng đầu toàn bộ sư sãi ở trong nước), rồi được ban hiệu là Khuông Việt (phù trợ cho nước Việt) đã chứng tỏ ông phải có những cống hiến to lớn và quan trọng cho sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng và quốc gia Đại Cồ Việt. Mặt khác, chứng tỏ sự đề cao, kính trọng của Đinh Tiên Hoàng đối với ông và cũng là sự ghi nhận những đóng góp của ông đối với triều đình.
Cũng có thể việc ban hiệu Khuông Việt cho ông là hành động mang ý nghĩa, màu sắc chính trị thì vẫn không thể phủ nhận những ảnh hưởng của Đại sư Khuông Việt đối với Đại Thắng Minh hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) và Nam Việt vương Đinh Liễn là hết sức to lớn.
Năm 980, giặc Nam Hán lăm le tiến đánh Đại Cồ Việt. Lê Hoàn lên ngôi, thay nhà Đinh. Đại sư Khuông Việt tiếp tục cuộc nhập thế, cộng tác với nhà (tiền) Lê và có nhiều đóng góp quan trọng. Ông, và đạo Phật có thể khác đạo Nho chỗ đó. Nho sĩ chỉ thờ một vua. Với ông thì không, miễn là làm việc có ích cho dân cho nước.
Sách Thiền Uyển tập anh có ghi: “Lê Đại Hành hoàng đế càng thêm kính lễ, phàm việc quân quốc, việc triều đình sư đều dự vào”. Đại sư Khuông Việt đã cùng các vị cao tăng khác như Vạn Hạnh, Đỗ Pháp Thuận giúp triều đình xây dựng đất nước, vỗ về Nhân dân, đặc biệt là hiến kế giúp vua, góp phần đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 981. Năm đó, đại sư đã đến núi Vệ Linh cầu đảo Tỳ Sa Môn Thiên Vương, thần đã ứng hiện và giúp nước ta phá tan giặc Tống xâm lược. Thiền uyển tập anh có ghi:
“Năm Thiên Phúc thứ 1 (980), binh Tống đến cướp. Vua vốn biết việc đó, liền sai sư đến cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”.
Năm Thiên Phúc thứ 7 (987), phái đoàn sứ thần nhà Tống do Lý Giác làm chánh sứ sang nước ta. Đại sư Khuông Việt đã cùng với thiền sư Đỗ Pháp Thuận, đại diện triều đình nhà Tiền Lê tiếp đón. Nhờ vậy mà công cuộc bang giao Việt – Trung sau đó đã diễn ra tốt đẹp.
Thiền Uyển tập anh có chép: Trong cuộc tiễn sứ thần nhà Tống, theo lời của vua, Đại sư Khuông Việt đã làm bài từ theo điệu Nguyễn lang quy: Trời lành gió thuận cánh buồm giương/Thần tiên về cố hương/ Nghìn trùng non nước vượt đại dương/ Trời xa bao dặm trường/ Tình thảm thiết, chén đưa đường/Vin xe sứ vấn vương/ Nguyện xin lưu ý chốn biên cương/ Rõ tâu với thánh hoàng (Nguyễn Công Lý dịch).
Theo nhận định của giới nghiên cứu văn học thì đây là một văn bản văn học bang giao Việt – Trung sớm nhất, gắn với các sự kiện quan trọng của lịch sử ngoại giao hai nước Việt - Trung; là tác phẩm văn học cắm cái mốc về vấn đề Phật giáo hòa đồng cùng dân tộc, nhập thế hành đạo, tham gia chính trị, mang tinh thần hộ quốc an dân trong thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Khi về già, đại sư về quê dựng chùa Phật Đà trên núi Du Hý thuộc làng Cát lợi, quận Thường lạc (thuộc khoảng huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Học giả, phật tử tụ hội về đây học đạo, tham thiền rất đông. Nhiều đệ tử xuất sắc của ông như thiền sư Đa Bảo đã trở thành trụ cột xiển dương Phật giáo dưới thời Lý.
Trước đó, thời nhà Đinh ông đã giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn khắc kinh Tổng trì đà la ni (Phật đỉnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni) trên cột đá rồi dựng ở vùng gần Hoa Lư, Ninh Bình, dọc theo sông Hoàng Long. Hoàn toàn có lý khi nói rằng Khuông Việt đại sư là một trong những người có công lớn đặt nền tảng cho Phật giáo và văn học Phật giáo Việt Nam phát triển trong thời đại Lý, Trần.
Sách Thiền uyển tập anh ghi, ngày mười lăm tháng hai năm Tân Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai (22/3/1011, đời Lý Thái Tổ), sư viên tịch. Trước lúc quy tịch, sư gọi Thiền sư Đa Bảo đến đọc lời kệ rằng: Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Hữu hỏa, hỏa hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toản toại hà do manh? Dịch nghĩa: Trong cây sẵn có lửa/ Có lửa, lửa lại sanh/ Nếu bảo cây không lửa/Cọ xát làm gì sanh?
Dạy kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 79 tuổi, để lại cho đời không chỉ công trạng giúp vua việc nước mà còn là những tác phẩm có giá trị cả về lịch sử, văn chương và tư tưởng như Thiền uyển tập anh ngữ lục, Truyền đăng lục, Thơ tiễn sứ Tống và khúc ca Vương lang quy.
Ngô Chân Lưu - Khuông Việt đại sư đã được cả hai triều Đinh và (Tiền) Lê trọng dụng. Tại sao Ngô Xương Xí là em cùng cha khác mẹ với ông, là một sứ quân trong thời loạn cát cứ mà Đinh Bộ Lĩnh vẫn tin dùng ông? Tại sao ông là Đại sư, Thái sư của nhà Đinh mà Lê Hoàn vẫn tin dùng? Ta có thể tin chắc là Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đã có “PHÉP” NHÌN NGƯỜI, nhận rõ phẩm chất và tài năng của bề tôi mà trọng dụng. Hơn thế, họ còn có BẢN LĨNH DÙNG NGƯỜI, dám sử dụng những người có chính kiến, thậm chí có cá tính riêng nhưng trung thành và tài năng. |