Chúc mừng năm mới

[Thông điệp từ lịch sử] Lý Thường Kiệt lấy tấn công làm phòng thủ

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lý Thường Kiệt (1019 - 1105, người thành Thăng Long) là một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, làm quan qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông.

Ông là người tinh thông văn - võ, có nghệ thuật quân sự bậc thầy, nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược thắng lợi. Đặc biệt, tư tưởng lấy tấn công làm phòng thủ của ông đã nâng lên trở thành nghệ thuật, mẫu mực.
Trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt nổi bật với việc đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075 - 1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy ở chiến lũy sông Như Nguyệt.
Lấy tấn công làm phòng thủ
Nhiểu nhà viết sách sử cho rằng, trận Lý Thường Kiệt chỉ huy quân lính tràn sang đất Tống tấn công làm tiêu hao sinh lực địch, triệt phá cơ sở vật chất phát động chiến tranh của địch, đè bẹp ý chí xâm lược của địch gọi là phép: “Tiên phát chế nhân”. Tuy nhiên, nhìn vào cuộc chiến điều động hàng vạn quân, triển khai chiến trường quy mô lớn và dài ngày (trên 40 ngày) thì đây là một cuộc tấn công quân sự chứ không phải là một động thái nhỏ lẻ. Đương nhiên, các nhà binh pháp học thời xưa đã dùng kế sách này, nhưng xét về mức độ táo bạo, độ chuẩn bị kỹ lưỡng mới thấy rõ Lý Thường Kiệt đã dụng binh tài tình như thế nào.
 Chân dung Lý Thường Kiệt trên bìa sách Nhà Xuất bản Kim Đồng.
Năm Ất Mão 1075, Vương An Thạch tâu với vua Tống rằng Đại Việt: “… bị Chiêm thành đánh phá, quân còn sót lại một vạn rưỡi, có thể dùng kế đánh lấy được” (Đại Việt Sử Ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 200, NXB Văn học 2019). Lời tâu này chứng tỏ, quân Tống từ lâu đã rình rập lăm le xâm lược nước ta. Vua Tống lập tức chuẩn bị khởi binh bằng việc sai Thẩm Khởi và Quế Di là tri Quế Châu; ngầm lấy binh người Man động, chuẩn bị thuyền bè, khí giới, tập thủy trận…
Nắm được tình hình quân giặc phương Bắc chuẩn bị khởi binh, Lý Thường Kiệt cùng tướng Tôn Đản đem 10 vạn hùng binh lập tức bằng hai đường thủy, bộ tiến đánh các châu Khâm, Liêm và Ung. Trận đánh này khiến quân Tống hết sức bất ngờ và lần lượt thất thủ. Trận đánh Ung châu tình thế có hơi khác nhưng đây là trận vây thành, công đồn mang tính điển hình của nghệ thuật quân sự. Khi vây thành thời gian lên đến hơn 40 ngày, trước sự kháng cự mãnh liệt của địch, quân của nhà Lý đã vây chặt, chồng bao đất cao rồi vào thành. Lý Thường Kiệt chỉ huy quân đánh chặn quân tiếp viện của Trương Thủ Tiết.
Sách sử nước ta nói chung miêu tả chiến dịch quân sự tấn công vào sào huyệt chuẩn bị cơ sở phát động chiến tranh của địch sơ sài, vắn tắt. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, sách sử Trung Quốc nói kỹ hơn về cuộc chiến này. Đây là cuộc tấn công, như đã nói, nhằm để phòng thủ. Trận đánh diễn ra đúng thời điểm: Khi địch mới chuẩn bị cuộc chiến nên binh lực chưa thực sự đầy đủ; mang yếu tố bất ngờ, táo bạo: Quân Tống chỉ nghĩ đến việc xâm lăng chứ không thể nghĩ mình bị đánh. Ở đây cũng nói thêm, công việc tình báo, nắm bắt động tĩnh của địch, cũng như nắm vững địa hình của địch được quân của Lý Thường Kiệt làm rất tốt, do đó khi tiến công đã hoàn toàn chủ động.
Nghệ thuật quân sự của Lý Thường Kiệt cũng vừa mang tính sáng tạo, đồng thời mang tính mẫu mực, đánh theo hai đường thủy bộ, vừa thần tốc, vừa có vây thành công đồn, vừa đánh chặn quân tiếp viện… Về đường bộ, ông cho quân đánh các đồn dọc biên giới thu hút sự chú ý của địch; dùng lực lượng chính qua đường thủy đánh châu Liêm, châu Khâm; sau đó hợp hai lực lượng tiến đánh châu Ung. Sau khi chiến dịch hoàn thành, Lý Thường Kiệt cho rút quân về nước.
Chiến lũy sông Như Nguyệt - công thủ toàn diện
Trận chiến ở bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu) của quân đội nhà Lý mà chỉ huy là Lý Thường Kiệt là một sáng tạo quân sự, thể hiện sự kết hợp tài tình về phòng thủ - tấn công, với truyền thống và hiện đại, yếu tố thực lực và tinh thần (tâm linh).
Năm Bính Thìn 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 9 tướng sang xâm lược nước ta. Trước tình hình giặc đông, hung hãn, Lý Thường Kiệt một mặt dùng các toán quân nhỏ đánh chặn, quấy rối và tiêu hao sinh lực địch, mặt khác lui về bờ sông Như Nguyệt xây dựng phòng lũy kiên cố dựa vào địa thế hiểm trở.
Đây là thời khắc quyết định vận mệnh của đất nước, đòi hỏi quân dân, tướng sĩ đồng lòng và có tinh thần gan dạ, tin vào chiến thắng. Chính lúc này, đang đêm, tại một ngôi đền thờ hai vị thần là Trương Hống và Trương Hát, hai vị tướng trung nghĩa của Triệu Việt Vương, lời ngâm bài Nam quốc sơn hà vang lên: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (bản dịch thơ của Trần Trọng Kim: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận ở sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Đây là bài thơ chứng tỏ cuộc chiến chống giặc được các vị thánh thần, các anh hùng của đất nước ủng hộ, giúp đỡ. Bài thơ mang tính linh thiêng giúp quân sĩ tin tưởng vào chiến thắng. Sự thực là quân Tống bị đánh tan “tơi bời” và phải rút về nước.
Có người cho rằng, nếu nhà Tống cho Triệu Tiết làm chủ tướng thay cho Quách Quỳ thì tình thế có thể khác, không bị tan tác đến như vậy. Bởi lẽ, Triệu Tiết vốn là tiến sĩ, cách hành binh sẽ quy củ hơn; còn Quách Quỳ vốn là võ tướng, hành binh hơi khinh suất, chưa đợi thủy binh mà đã vội tiến quân.
Thuyết trên có vẻ có lý. Nhưng đây là một cuộc chiến có vẻ như không có sự cân bằng về tài thao lược, tài dụng binh.
Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã học thành thạo về võ nghệ, đặc biệt là cách dụng binh và đã tỏ chí lớn sẽ trở thành danh tướng. Khi dụng binh, ông kết hợp nhiều yếu tố để chiến thắng. Như đã nói, ông lui về dựng chiến lũy sông Như Nguyệt là đã đẩy quân Tống vào thế khó, vì quân Tống sở trường là kỵ binh, đánh chỗ rộng rãi, bằng phẳng. Về tinh thần, với Nam quốc sơn hà, ông đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước của quân dân, niềm tin tất thắng. Trận chiến này cũng là trận chiến mang tính toàn dân, người dân đã cùng binh sĩ xây dựng phòng tuyến.Quan trọng nữa, tại tuyến phòng lũy sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt, bên cạnh chứng tỏ là bậc thầy về nghệ thuật phòng thủ, mặt khác tư tưởng tiến công luôn thường trực.
Tại chiến lũy sông Như Nguyệt, Quách Quỳ sau hai lần cố phá vỡ tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt nhưng không thành đã bắt đầu rệu rã về tinh thần, binh lực tổn thất do đánh nhau, ốm đau, lương thực thiếu vì quân tải lương bị đánh chặn… Đây là lúc Lý Thường Kiệt cho quân phản công mãnh liệt, toàn diện. Ông cũng chia quân làm hai cánh: Một đánh vào quân chủ lực do Quách Quỳ chỉ huy; một đánh vào quân do Triệu Tiết chỉ huy. Sáng tạo của Lý Thường Kiệt ở chỗ: Ông đánh vào khối quân chủ lực của Quách Quỳ chỉ là hư, để nghi binh, cách đánh tiến vào rầm rộ, phô trương thanh thế; đánh quân Triệu Tiết, nơi phòng bị sơ sài, lực lượng mỏng, mới là thực. Quân của Triệu Tiết bị đánh tan, quân của Quách Quỳ buộc phải tháo chạy.
Vài dòng sơ sài không thể tả hết cách dụng binh thần kỳ của Lý Thường Kiệt (ngay cả cách đánh quấy rối, cách đánh chặn quân tiếp viện… cũng là những chuyện dài kỳ). Đặc biệt, Lý Thường Kiệt với tài dụng binh của mình đã xây lâu đài chiến thắng trên nền tảng của lòng yêu nước, vua tôi hòa mục, quân dân một lòng. Chiến thắng của Lý Thường Kiệt đã đập tan ý chí xâm lược của nhà Tống, nước có tiềm lực kinh tế - quân sự mạnh hơn gấp bội.

Lý Thường Kiệt với tài dụng binh của mình đã xây lâu đài chiến thắng trên nền tảng của lòng yêu nước, vua tôi hòa mục, quân dân một lòng. Chiến thắng của Lý Thường Kiệt đã đập tan ý chí xâm lược của nhà Tống, nước có tiềm lực kinh tế - quân sự mạnh hơn gấp bội.