Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Mọi người lo một thì chúng tôi lo mười!”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thị trường, ngân hàng lớn bao giờ cũng cho vay lãi suất thấp vì vốn dài hạn lớn. Ngân hàng nhỏ thì “bươn chải” cho vay xa, món nhỏ, chi phí (do đi lại) cao thì ắt phải cho vay lãi suất cao. Còn nếu nói các ngân hàng nhà nước, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh “hai giá”

KTĐT - Trong thị trường, ngân hàng lớn bao giờ cũng cho vay lãi suất thấp vì vốn dài hạn lớn. Ngân hàng nhỏ thì “bươn chải” cho vay xa, món nhỏ, chi phí (do đi lại) cao thì ắt phải cho vay lãi suất cao. Còn nếu nói các ngân hàng nhà nước, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh “hai giá” là không có.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ về những điều đã làm được và cả những điều chưa thật thành công trong năm 2009 để hướng tới năm 2010 với thành công mới.

Thưa Thống đốc, xin ông cho biết năm 2009 điểm nhấn quan trọng nhất trong điều hành chính sách là gì?
 
Có lẽ trong nhiều công việc mà ngành Ngân hàng đã thực hiện năm qua thì hỗ trợ thông qua lãi suất là việc làm cần ghi nhận đầu tiên.
 
Ở thời điểm cuối năm 2007 - đầu năm 2008, khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, không loại trừ Việt Nam, thì Chính phủ đã xác định ngăn ngừa suy giảm là mục tiêu hàng đầu, sẽ phải sử dụng gói kích thích kinh tế, trong đó biện pháp hỗ trợ thông qua lãi suất là chủ đạo.
 
Phương án đầu tiên là tập trung đầu tư vào một số công trình lớn để làm động lực kích cầu. Phương án thứ hai là chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (lúc đó, có ý kiến cho rằng sẽ có 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, 60% khó hoạt động và 20% còn lại là vươn lên được).
 
Sau khi được các thành viên Chính phủ thông qua, anh em trong ngành tin cậy rất cao phương án cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 23/1/2009 (tức là 28 Tết Kỷ Sửu 2009), phương án được Thủ tướng ký duyệt.
 
Gần đây một số ngân hàng cho rằng chính sách tiền tệ nên đi trước một bước hoặc là Thống đốc NHNN đưa ra thông điệp phải ổn định hơn?
 
Điều đó là chính đáng nhưng phải đặt trong một nền kinh tế ổn định. Tất cả các nhà kinh tế hàng đầu thế giới cũng như lãnh đạo các nước cũng chưa thể đưa ra được thông điệp “dài hơi”. Ngay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) suốt cả năm qua đưa ra thông điệp đâu phải là chuẩn.
 
Cuối năm 2007, đầu 2008, công tác dự báo của Việt Nam chưa ổn, nhưng sau đó, theo tôi, đã dự báo rất tốt. Điều đó thể hiện qua việc ngày 15/9/2008 xảy ra đổ vỡ một số định chế tài chính của Mỹ, thì sau đó 1 tháng chúng ta công bố thẳng thắn là kinh tế Việt Nam có “4 giảm”: xuất khẩu giảm, FDI, kiều hối và khách du lịch giảm.
 
Có thể nói chính sách điều hành năm 2009 là phù hợp nhưng năm 2010 thì thế nào, Thống đốc có thể cho biết thêm về tính linh hoạt trong chính sách tiền tệ trong năm 2010?

 
Năm 2009, chính sách chung của thế giới là linh hoạt mở. Nhưng nhìn khía cạnh ngân hàng thì công cụ chính sách không phải muốn thay đổi là thay đổi.
 
Theo tôi, lãi suất ở Việt Nam thời gian qua cơ bản là đúng vì nó còn chịu sức ép của hỗ trợ lãi suất, đồng thời giá vàng cũng tác động đến chính sách tiền tệ. Ta giữ nguyên lãi suất cơ bản 7%/năm trong 11 tháng, đến tháng 12/2009 mới nâng lên 8%/năm.
 
Nếu nâng lãi suất cơ bản trước 1, 2 tháng thì sẽ có lợi cho hệ thống ngân hàng, huy động vốn được nhiều hơn nhưng lại ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác. Vì thế, chúng ta phải nhìn toàn cục, nhìn khía cạnh lợi ích này mà không nhìn lợi ích kia thì sẽ không ổn.
 
Về chính sách tỷ giá, nhiều lần tôi nói đây là một bài toán khó. Thực ra, chúng ta đang điều hành theo nguyên tắc linh hoạt, theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước, có kiểm soát. Nguyên tắc này không thay đổi. Các nước có hai chính sách tỷ giá một cách rõ rệt. Một là cố định, hai là thả nổi. Còn ta thì có quản lý theo cung-cầu.
 
Hiện nay có tình trạng, ngân hàng duy trì 2 tỷ giá, 2 lãi suất, theo Thống đốc, vấn đề này xử lý như thế nào?


Lãi suất phải đặt trong quan hệ với thị trường. Thông thường, một ngân hàng phân ra 5, 6 nhóm khách hàng. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, tài sản tốt, hợp đồng không có vấn đề, có tín nhiệm thì bao giờ cũng được vay nhiều hơn, dễ hơn.
 
Còn nếu doanh nghiệp chỉ mới làm ăn, quy mô nhỏ, hợp đồng ít, chưa có sự tín nhiệm thì được vay ít với lãi suất cao hơn. Vì thế sẽ có loại cho vay lãi suất 8%, có loại 10 - 12%...
 
Trong thị trường, ngân hàng lớn bao giờ cũng cho vay lãi suất thấp vì vốn dài hạn lớn. Ngân hàng nhỏ thì “bươn chải” cho vay xa, món nhỏ, chi phí (do đi lại) cao thì ắt phải cho vay lãi suất cao. Còn nếu nói các ngân hàng nhà nước, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh “hai giá” là không có.
 
Đây cũng là thử thách đối với Thống đốc khi quản lý một hệ thống ngân hàng không đồng đều. Một ngân hàng có tài sản 400.000 tỷ đồng với một ngân hàng có tài sản 2.000 tỷ đồng hoạt động trong một khung quản lý như nhau không phải đơn giản. Phải là người trong cuộc mới thấy sự cố gắng của chúng tôi trong thời gian qua.
 
Chúng ta đã “vượt bão” năm 2009, nhưng nhiệm vụ trong năm 2010 được dự báo là rất nặng nề. Thống đốc đặt ra những mục tiêu cụ thể nào cho ngành Ngân hàng trong năm nay?
 
Mục tiêu là góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 7%. Cụ thể đối với ngành là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán khoảng 28%, tăng trưởng tín dụng khoảng 25%. Khi cung tiền ra phải thận trọng cân nhắc cả tác dụng phụ và tác dụng chính, là kích thích tăng trưởng hay lạm phát?
 
Xin trân trọng cám ơn Thống đốc.