Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống nhất đưa giếng cổ ở Ciputra về bảo tàng Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bước đầu các nhà khoa học thống nhất phương án sẽ cắt đoạn giếng cổ mang về bảo tàng để phục dựng. Riêng đối với cặp mộ cổ, từng viên gạch sẽ được đánh số, mang về bảo tàng.

KTĐT - Bước đầu các nhà khoa học thống nhất phương án sẽ cắt đoạn giếng cổ mang về bảo tàng để phục dựng. Riêng đối với cặp mộ cổ, từng viên gạch sẽ được đánh số, mang về bảo tàng.

Sáng 23/4, sau khi khảo sát và hội ý, nhiều nhà khoa học cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Hà Nội đã bước đầu thống nhất phương án bảo tồn đối với giếng cổ, mộ cổ ở khu đô thị Ciputra.

Việc hội ý được các nhà khoa học, cán bộ Bảo tàng Hà Nội và lãnh đạo Sở tiến hành ngay tại khu vực phát lộ mộ, giếng cổ. Sau gần một giờ, bước đầu các nhà khoa học thống nhất phương án sẽ cắt đoạn giếng cổ mang về bảo tàng để phục dựng. Riêng đối với cặp mộ cổ, từng viên gạch sẽ được đánh số, mang về bảo tàng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, đầu tuần sau Sở sẽ có báo cáo gửi UBND thành phố để xin quyết định chính thức.

Theo đo đạc chính xác của đội khảo cổ, phần giếng khai quật được có chiều sâu 5,1 mét (dài hơn so với thông báo 4,7 mét trước đó). Cộng thêm 1,4 mét đã bị máy xúc bạt khi đào đất làm đường, tổng chiều sâu của giếng là 6,5 mét. Đáy giếng có lót một lớp gỗ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, để đưa được giếng sâu như vậy về bảo tàng cần cắt làm 4 đoạn. Phương pháp tiến hành là đào rộng khoảng đất xung quanh với diện tích khoảng 40 m2, cứ đào được một phần tư chiều sâu sẽ cắt và mang về dần. Ngoài ra, để xác định niên đại chính xác của giếng, ông dự định sẽ đưa mẫu gỗ ở đáy làm xét nghiệm đồng vị C14.

Đối với cặp mộ, hầu hết ý kiến khẳng định, đây là kiểu mộ của thời Hán.

Với kinh nghiệm khai quật hàng trăm ngôi mộ Hán, ông Phạm Như Hồ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ (Viện khảo cổ), nhận định kiểu mộ quách bằng gạch như thế này là mộ của người Trung Quốc. Nhiều khả năng đây là mộ của quan lại Hán song cũng không loại trừ là của thương nhân, người Việt giàu có.

Riêng vật liệu, nhân công để xây mộ chắc chắn đều là của Việt Nam. Kiểu mộ này không hiếm ở Việt Nam, nhiều ngôi còn có quy mô gấp hàng chục lần cặp mộ này.

Dự kiến, đầu tuần sau, việc bóc dỡ gạch của 2 ngôi mộ cổ sẽ được tiến hành.

Trước đó ngày 1/4, máy xúc của đơn vị thi công đặt ống cống ở khu đô thị Ciputra (Đông Ngạc, Từ Liêm) đã xúc trúng vào cửa một ngôi mộ cổ có kết cấu bằng gạch nung. Mộ thứ hai, nhỏ hơn, phát lộ khi đang khai quật ngôi mộ này.

Hai tuần sau, cách đó chừng 100 mét, giếng cổ được lộ ra trong quá trình thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra.