Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 3 như sau: việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Luật cũng quy định đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, trong đó: phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được cho vào phong bì dán kín, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu phải được niêm phong ngay khi hết thời hạn nhận phiếu.
Thời hạn nhận phiếu trả giá của người tham gia đấu giá do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định trong Quy chế cuộc đấu giá nhưng phải trước ngày mở phiên đấu giá 2 ngày làm việc. Buổi công bố giá được coi là phiên đấu giá.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 điều 9 hoặc quy định khác của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Điều 73 của Luật cũng quy định hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản. Cụ thể, trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 điều 72 của Luật này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều 72 của Luật này được thực hiện như sau: cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản thực hiện việc hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá tài sản. Trình tự, thủ tục hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
Người có tài sản đấu giá hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hoặc tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: đối với quy định về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 2 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc “người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn” là xác đáng. Tuy nhiên, việc bảo đảm tính khả thi khi áp dụng cần phải được nghiên cứu, đánh giá. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở tiếp thu khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản.