Kinhtedothi - Sẽ có 34 cụm thi, đề thi phân loại cao hơn, thí sinh có chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ được tính 10 điểm, dùng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) để tránh lượng thí sinh ảo… Đây là những thông tin mới nhất được ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT cho biết hôm nay (10/12) tại Hội nghị về kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra tại TP Đà Lạt.
2 tỉnh sẽ có 1 cụm thi
Theo ông Trần Văn Nghĩa, đến nay về cơ bản đã hoàn thành hai quy chế về kỳ thi quốc gia THPT và quy chế tuyển sinh ĐH cho 428 trường ĐH, CĐ (bao gồm cả trường sử dụng kết quả thi chung và trường thi tuyển riêng).
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Kỳ thi “2 trong 1” có tính phân loại cao hơn nhiều, tuy nhiên về cấu trúc không khác so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đề thi trắc nghiệm có thời gian 90 phút, tự luận 180 phút. Đề thi có hai phần, một phần có độ khó như thi tốt nghiệp và một phần phân hóa để xét tuyển ĐH, CĐ. Một số môn khoa học xã hội sẽ đẩy mạnh ra đề thi theo hướng mở, dùng kiến thức liên môn để xử lý. Đề thi không yêu cầu thí sinh phải nhớ số liệu một cách máy móc mà phải xử lý và phân tích được số liệu ấy. Đối với các môn khoa học tự nhiên, đề ra theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức của học sinh. Những thí sinh có chứng chỉ môn Ngoại ngữ theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ được miễn thi và được điểm 10 tốt nghiệp. Tuy nhiên, thí sinh nào muốn thi ĐH tại trường tổ chức thi môn Ngoại ngữ vẫn phải dự thi môn này.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đi một số trường ĐH để khảo sát và tìm những trường có địa điểm tổ chức thi phù hợp. Dự kiến sẽ có 34 cụm thi liên tỉnh. Về cơ bản các cụm thi sẽ do các trường ĐH chủ trì tổ chức coi thi và chấm thi. Trường chủ trì phải có điều kiện nhất định, đã từng có hàng chục ngàn thí sinh dự thi mới đủ khả năng tiếp cận cách thi mới này, để đảm bảo tính an toàn và nghiêm túc. “Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh.
Theo đó, mỗi cụm thi có ít nhất 2 tỉnh, nhưng chỉ trường lớn đủ điều kiện triển khai mới được thực hiện, nhằm tránh xáo trộn so với thi ĐH hàng năm và bảo đảm an toàn hơn cho kỳ thi. Bộ đưa ra tiêu chí chọn điểm thi thuận tiện cho việc đi lại cho thí sinh và gia đình, quãng đường thí sinh đi ngắn hơn so với đi thi ĐH năm trước”. Và, riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh với mô hình tổ chức thống nhất trong toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Dùng phần mềm CNTT để tránh thí sinh ảo
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, việc sử dụng kết quả thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT vẫn ổn định như năm 2014. Cụ thể, kết quả được lấy từ 50% điểm bài thi của học sinh và 50% kết quả từ quá trình học tập ba năm THPT của các em, có cộng thêm điểm khuyến khích nếu có theo quy định.
Trong số 428 trường ĐH, HV, CĐ gửi báo cáo thông tin tuyển sinh và đề án tuyển sinh năm 2015 về Bộ GD&ĐT có đến 235 trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, 125 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT. Một số trường tốp trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương có thêm sơ tuyển; ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và tuyên truyền xét tuyển dư ra và sẽ có phỏng vấn hoặc bài viết năng lực; ĐH Kiểm sát sử dụng 85% điểm bài thi và 15% điểm phỏng vấn để xét tuyển.
Về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh không có sự thay đổi, tất nhiên là sẽ có cập nhật những thông tin mới. Lệ phí dự thi ĐH, CĐ đảm bảo ổn định như mọi năm, các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp thì không phải nộp lệ phí. Mức phí cụ thể sẽ sớm được Bộ Tài chính xem xét và quyết định để công bố cho học sinh. Năm nay, Bộ sẽ ban hành phần mềm hỏi - đáp để giải thích cụ thể các vấn đề mới của học sinh và sẽ gấp rút làm các phần mềm để cuối tháng 12 là xong.
Để tránh lượng thí sinh ảo đăng ký vào các trường, Bộ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để quả trị dữ liệu cua kỳ thi. Nhất là khâu xét tuyển sinh vào các trường ĐH và công khai dữ liệu để thí sinh cũng như xã hội được biết.