Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tư 20: Câu chuyện đang "nóng" của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa quy định tại Thông tư 20 vào Dự thảo Nghị định mới của Bộ Công thương về điều kiện nhập khẩu ô tô được cho là đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng sản xuất nhưng lại gây bất lợi lớn cho các DN nhập khẩu.

Đến ngày 1/7/2016, Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương về Quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã chính thức hết hiệu lực. Tuy nhiên vấn đề có hay không vẫn để các quy định trong Thông tư này tiếp tục tồn tại đang là câu chuyện "nóng" nhất của giới nhập khẩu ô tô trong suốt thời gian qua. 

 
Thông tư 20 được cho là một trong những nguyên nhân chính giúp các hãng xe nước ngoài tự do thao túng giá bán tại Việt Nam
Thông tư 20 được cho là một trong những nguyên nhân chính giúp các hãng xe nước ngoài tự do thao túng giá bán tại Việt Nam
Cụ thể, Thông tư 20 có quy định: Thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật. 

Và trong Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét quy định trên của Thông tư 20 đã được giữ lại. Cũng từ đó đã dấy lên các luồng ý kiến phản đối cũng như đồng tình về việc nâng tầm Thông tư 20 lên thành Nghị định.

Hiện tại, giới kinh doanh ô tô nhập khẩu đã chia thành 2 "phe". Một bên gồm khoảng 20 DN buôn bán xe cũ, không được phép nhập khẩu lên tiếng đòi bãi bỏ các quy định trong Thông tư 20. Còn bên ủng hộ giữ lại những quy định này được đánh giá là "mạnh hơn rất nhiều lần" khi có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn gồm: Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), đại diện các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam như Audi, BMW, Rolls-Royce...

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công thương đã khá rõ ràng khi đứng về "phe" mạnh hơn. Với dự định giữ lại quy định trong Thông tư 20 ở Dự thảo Nghị định mới, Bộ này cho rằng đây là điều cần thiết để bảo vệ thị trường ô tô nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau 5 năm Thông tư 20 có hiệu lực thị trường xe nhập khẩu của Việt Nam đã phát triển khá "méo mó". Ông Nguyễn Tuấn, giám đốc công ty Thiên An Phúc chuyên về buôn bán ô tô cho biết, trước khi Thông tư 20 ra đời cả nước có khoảng 200 DN nhập khẩu ô tô nhưng tới nay số DN còn tồn tại chỉ khoảng 20. Tuy nhiên cả 20 DN này chỉ buôn bán xe cũ chứ không được phép nhập khẩu xe mới.

Các quy định của Thông tư 20 gần như trao toàn bộ quyền tự quyết về vấn đề nhập khẩu ô tô cho các hãng như Honda, Toyota hay Ford. Và việc chen chân vào làm đơn vị được ủy quyền của các hãng trên là điều mà hầu hết DN trong nước không thể làm được, chính điều này đã làm thị trường ô tô nhập khẩu của Việt Nam trở nên rất kém cạnh tranh, ông Tuấn bức xúc. 

Thực tế cũng đã chứng minh Thông tư 20 không làm thị trường ô tô Việt Nam tốt lên. Ra đời với mục đích kiềm chế nhập siêu của mặt hàng ô tô nhưng nếu như năm 2011, tổng giá trị nhập khẩu xe nguyên chiếc chỉ là 1 tỷ USD thì con số này đã liên tiếp tăng theo từng năm và nhảy vọt lên 1,5 tỷ USD vào 2014 cũng như đạt mốc kỷ lục 2,5 tỷ USD trong 2015 vừa qua. Đồng thời người tiêu dùng cũng phải chịu giá mua tăng mạnh qua từng năm. 

Nói tới Thông tư 20, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định đã tới lúc cần loại bỏ những quy định này. Hiện tại, các hãng xe vừa tự mình sản xuất trong nước, vừa tự chỉ định đơn vị nhập khẩu, điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh nói chung mà còn dẫn tới tình trạng độc quyền về giá và thiệt hại vẫn là người tiêu dùng. 

Về khía cạnh làm luật, việc nâng tầm Thông tư 20 thành Nghị định cũng nhận được nhiều ý kiến phản đối. Ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công thương đưa quy định của Thông tư 20 vào Dự thảo Nghị định là sai luật. Nhập khẩu ô tô không thuộc danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy không thể đưa vào Nghị định dành cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra hành động trên của Bộ Công thương cũng đi ngược với tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ. Hai Nghị quyết này yêu cầu các Bộ, ban, ngành tập trung tháo gỡ các rào cản kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN, người dân kinh doanh những gì mà Luật không cấm, ông Tuấn nói.

 
Các Bộ, ban, ngành nói gì về việc đưa quy định của Thông tư 20 vào Dự thảo Nghị định của Bộ Công thương:

Bộ Tư pháp cho rằng quy định của Thông tư 20 đã vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.

Tổng cục Hải quan khẳng định Thông tư số 20 của Bộ Công thương có nội dung hướng dẫn không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.