Công khai thu – chiNăm học này, Hà Nội bắt đầu áp dụng mức học phí mới cho giáo dục mầm non, phổ thông công lập là 110.000 đồng/HS/tháng (khu vực thành thị), 55.000 đồng/HS/tháng (nông thôn) và 14.000 đồng/HS/tháng (miền núi).
Với mức học phí 55.000 đồng/HS/tháng ở vùng nông thôn, theo chị Nguyễn Thị Hòa (huyện Ba Vì) là mức phù hợp. Chị Hòa cho rằng, vấn đề khiến phụ huynh lo nhất không phải là học phí, mà là các khoản thu ngoài học phí như: Tiền nước uống, học phẩm, quỹ trường, quỹ lớp… “Nếu những khoản này để phục vụ cho các con thì không sao, nhưng thực tế, các khoản đóng góp này lại nhập nhèm, phục vụ những ngày lễ: 20/11, tiền Tết âm, Tết dương lịch cho thầy cô, trong quy định của ngành là không được phép, nhưng thực tế, các khoản thu này vẫn chi vào những mục đã cấm” – chị Hòa chia sẻ.
|
Giờ học môn Tự nhiên xã hội của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng |
Dù chưa thông báo chính thức, nhưng nhiều trường từ mầm non, tiểu học đến THPT đã rậm rịch các khoản thu khiến không ít phụ huynh có tâm trạng "không đóng thì ngại, mà đóng thì ấm ức". Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Đống Đa) bức xúc, hầu như năm nào lớp đầu cấp, phụ huynh cũng phải đóng một khoản để mua máy điều hòa nhiệt độ. Trong khi, các khóa học trước sau khi ra trường đều tặng lại các em khóa sau từ rèm cửa, máy chiếu, điều hòa… “Vậy, những chiếc điều hòa các lớp trên để lại “chạy” đi đâu? Theo tôi, thu – chi đầu năm, Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm cũng phải có trách nhiệm, thu chi hợp lý. Thu tự nguyện là để phục vụ trực tiếp cho việc học tập của HS trong lớp chứ không phải để mua đồ trang trí, hoa, quà ngày lễ cho thầy cô. Cần kiểm soát hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS, tránh lấy danh nghĩa ban phụ huynh để “tận thu”". – chị Hạnh thẳng thắn.
Thực tế vào đầu mỗi năm học, rất nhiều khoản thu phải nộp, nhưng phụ huynh thường có rất ít thông tin về các khoản thu này. Việc công khai tất cả các khoản thu ngay từ đầu năm là cần thiết, đảm bảo công tác quản lý nhà trường, cũng như phối hợp, giám sát của phụ huynh, tránh gây bức xúc cho phụ huynh. Đây là ý kiến chung của đa số phụ huynh khi được hỏi.
Thu nhập chưa tương xứngNgoài băn khoăn các khoản thu ngoài học phí của phụ huynh HS, việc thu tiền dạy học 2 buổi/ngày cũng khiến không ít giáo viên chạnh lòng vì thu nhập không tương xứng với công sức mà bỏ ra. Hiện toàn TP có hơn 80% số trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tỷ lệ này ở cấp THCS vào khoảng 30%. Theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND ban hành ngày 22/11/2013 của UBND TP, từ năm học 2013 - 2014, mức thu học 2 buổi/ngày với HS tiểu học không quá 100.000 đồng/HS/tháng, với các trường THCS không quá 150.000 đồng/HS/tháng.
Ông Lưu Luyến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên bày tỏ, suy nghĩ chung của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn về mức thu 100.000 đồng/HS/tháng cho việc dạy học 2 buổi/ngày là quá thấp, nhiều người không muốn dạy. “Với mức thu đó, nếu lớp có nhiều HS thì không gặp vướng mắc nhiều, song huyện Phú Xuyên có nhiều trường quy mô nhỏ, nhiều lớp chỉ có 18 - 20 HS, tính ra thu nhập của mỗi giáo viên chỉ khoảng 60.000 đồng/ngày. Với mức thu như hiện nay rất khó thuyết phục giáo viên tham gia dạy học 2 buổi/ngày” – ông Luyến thành thật. Cũng theo ông Luyến, Quyết định 51/2013/QĐ-UBND chỉ hướng dẫn nội dung chi, khiến các đơn vị khó triển khai thống nhất. Do đó, nếu có văn bản cụ thể về nội dung, tỷ lệ chi từng mục thì sẽ tránh được việc giáo viên nơi này so sánh với giáo viên nơi khác. "Sở GD&ĐT cần sớm có văn bản hướng dẫn nội dung chi, cách chi từ khoản thu cho việc học 2 buổi/ngày” – ông Luyến đề xuất.
ở quận nội thành Hai Bà Trưng, lãnh đạo quận cho biết, tỷ lệ chi cho giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày là 60% số thu; chi bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể 20%, số còn lại dùng để mua văn phòng phẩm, đồ dùng… Còn tại quận Hà Đông, Ban giám hiệu một số trường tiểu học cho biết, mức chi được xây dựng dựa trên khả năng thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày và được thể hiện tại quy chế chi tiêu nội bộ... Như vậy có thể thấy, việc thu – chi học 2 buổi/ngày được mỗi quận, huyện thực hiện theo một phương thức khác nhau. Với thực trạng này, lãnh đạo một số quận, huyện kiến nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có sự điều chỉnh, quản lý, chỉ đạo để việc thu - chi 2 buổi/ngày trong nhà trường được minh bạch, công bằng, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu - chi ngay đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Bên cạnh đó, Sở sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về việc thu - chi không đúng, sẽ xử lý nghiêm khắc với những đơn vị làm trái quy định. Ông Nguyễn Hữu Độ Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội |