Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2019, công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng được nâng cao.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Hiệp định VPA/FLEGT gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đến nay, tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 91%, tăng 2% so với năm 2018.
 Diện tích rừng trồng mới năm 2019 tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ. 
Năm 2019, Tổng cục Lâm nghiệp đã tập trung thực hiện mạnh các giải pháp bảo vệ và chăm sóc rừng. Tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng thu hoạch gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đạt trên 500.000ha. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng từ 134.980ha năm 2015 lên 250.061ha năm 2019. 
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 16 triệu m3, tăng 4,8% so với năm 2018, đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (trước năm 2010 chỉ đáp ứng được khoảng 20%). Nhiều địa phương xây dựng các mô hình về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững. Qua đó, lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tăng thêm từ 25 - 30%.
Các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đáng chú ý, thu dịch vụ môi trường rừng tăng từ 1.300 tỷ đồng (năm 2015) lên gần 3.000 tỷ đồng.