Những sáng kiến này không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về quản lý rác thải, mà còn là tiền đề cho việc thực hiện quy định phân loại rác tại hộ gia đình có hiệu lực từ 1/1/2025.
Thu gom rác thải vẫn đang gặp nhiều khó khăn
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 80.000 tấn rác thải, trong đó chỉ có khoảng 10% được xử lý hợp vệ sinh, phần còn lại được chôn lấp hoặc thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, mô hình thu gom rác thải truyền thống vẫn đang được áp dụng phổ biến tại nhiều địa phương. Theo mô hình này, các công ty thu gom rác sẽ sử dụng xe chuyên dụng để thu gom rác thải tại các điểm tập kết rác thải do người dân tự bỏ ra.
Tuy nhiên, mô hình này một số hạn chế. Đầu tiên là tốn kém chi phí vận hành do phải di chuyển quãng đường dài để thu gom rác thải tại các điểm tập kết, chi phí vận hành của các công ty thu gom rác sẽ cao hơn.
Grac - một ứng dụng quản lý rác thải tại Việt Nam, đã triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa hiện đại nhằm kết nối người dân với các đơn vị thu gom và tái chế. Người dùng chụp ảnh rác nhựa và đăng lên ứng dụng, từ đó các tổ chức thu gom sẽ tới lấy rác. Grac tập trung vào rác thải nhựa và đã thu hút được 1 triệu hộ gia đình tham gia, thu gom hơn 365 tấn rác nhựa. Ứng dụng không chỉ số hóa quản lý rác thải mà còn nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.
Một hạn chế nữa là rác thải không được phân loại tại nguồn nên dễ bị lẫn lộn, gây khó khăn cho việc xử lý và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, hiệu quả thu gom chưa cao do ý thức của một số người dân chưa cao, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra, dẫn đến việc thu gom rác không hiệu quả.
Đặc biệt, việc triển khai phân loại rác tại nguồn cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Theo Bộ TN&MT, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Để khắc phục những hạn chế của mô hình thu gom rác truyền thống và nâng cao hiệu quả thu gom rác thải, nhiều địa phương đã sáng tạo và áp dụng các mô hình thu gom rác kiểu mới.
Các mô hình sáng tạo, hiệu quả
Một trong những địa phương có nhiều mô hình thu gom rác sáng tạo, hiệu quả chính là TP Hà Nội. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của TP.
Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã chỉ đạo hội liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên về bảo vệ môi trường.
Hội cùng các địa phương cũng đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”…
Đặc biệt, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng là một điểm sáng về các mô hình thu gom rác hiệu quả, sáng tạo. TP này đã thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát sinh từ cuối năm 2023, hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên lượng phát thải thực tế.
Theo đó, hơn 450 hộ dân trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm An là những gia đình đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình tính tiền rác bằng thể tích, cân nặng thông qua túi nilon.
Thay vì các hộ gia đình đóng 30 ngàn đồng phí vệ sinh hằng tháng thì nay, những hộ dân này đã chuyển sang mua 16 túi ni lông với thể tích 10 lít, 6 túi loại 15 lít và 4 túi loại 20 lít về đựng rác. Rác thải được phân loại vô cơ và hữu cơ ngay tại nhà. Sau thời gian phân loại rác tại nguồn và tính phí theo phát thải đã giảm khoảng 30% lượng rác chôn lấp.
Hay như mô hình thu gom rác thải tái chế của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh, đã không chỉ giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ, người dân về bảo vệ môi trường, mà còn gây dựng được nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm 2024, các cơ sở của Hội đã triển khai, lắp đặt 19 điểm thu gom rác thải tái chế.
Các điểm thu gom được thiết kế với khoang chứa các loại rác thải có thể tái sử dụng như rác thải nhựa, rác thải kim loại… và được lắp đặt tại những khu vực tập trung đông người như nhà văn hóa xã, trường học, cổng chợ, tuyến phố đi bộ... Rác thải tái chế sau khi thu gom sẽ được phân loại để bán, tiền thu được dùng để gây quỹ hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện, thăm hỏi phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi...
Đây chỉ là một vài điển hình trong hàng trăm sáng kiến, mô hình phân loại, thu gom rác khắp cả nước. Với những kết quả khả quan đã đạt được chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc tích hợp phân loại rác tại nguồn vào các mô hình thu gom rác hiện có sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các mô hình thử nghiệm phân loại rác tại nguồn đều không mang lại kết quả khả quan. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác nói chung và phân loại rác tại nguồn nói riêng, chúng ta phân tích mô hình phân loại rác thành công của nhiều nước trên thế giới để rút ra bài học từ chính cách làm hiệu quả của họ. Trong đó, bài học quan trọng nhất là “bài học 4C”, đó chính là 4 yếu tố cốt lõi gồm: Chính quyền, Cơ chế chính sách, Cộng đồng và Công nghệ.