Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700 VBQPPL cấp xã.
Chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL tiếp tục được nâng cao. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 237 dự án, dự thảo VBQPPL; Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo VBQPPL.
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống VBQPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm thực hiện, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực; quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả.
Tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, năm 2023, các hoà giải viên trong toàn quốc đã tiếp nhận trên 90.000 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 84,7%.
Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được các Sở Tư pháp chủ động tham mưu đưa vào Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PBGDPL hằng năm. Qua báo cáo của các địa phương, tính đến nay có trên 10.000 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ trên 95%.
Thu hồi thi hành án dân sự trên 89.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tư pháp, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả,chuyên nghiệp; công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong THADS được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, điều kiện, trang thiết bị làm việc, phục vụ hoạt động THADS được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tốt cho thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, bám sát các quy định pháp luật và nhiệm vụ được giao tại các Đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản giấy tờ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch. Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 02 cơ sở dữ liệu.
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.