Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi đất dự án kinh tế - xã hội nên bồi thường theo giá thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 14/3, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó chế độ sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất được đặc biệt quan tâm.

Lý do “phát triển kinh tế”quá rộng

Đánh giá cao điểm mới trong sửa đổi Hiến pháp lần này là hiến định nguyên tắc "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ", tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, quy định "với các dự án phát triển kinh tế - xã hội" tại khoản 3, Điều 58 không áp dụng thu hồi mà nên thỏa thuận việc bồi thường theo giá thị trường. Các đại biểu cũng nhắc lại nhiều hệ lụy phát sinh từ thu hồi đất tùy tiện, do hướng dẫn chồng chéo.

Thu hồi đất dự án kinh tế - xã hội nên bồi thường theo giá thị trường - Ảnh 1

Nhiều ý kiến đề nghị, việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội nên thỏa thuận việc bồi thường theo giá thị trường.Ảnh: Tuấn Anh


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Trước khi Hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất, rất cần phải trả lời câu hỏi: Quyền sử dụng đất với tư cách là tài sản được Nhà nước bảo hộ, vậy dựa trên căn cứ lý luận nào để chúng ta thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân? Tuy quyền của người dân không phải là chủ sở hữu, nhưng về thực chất quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân hiện nay đã tiệm cận với các quyền năng của chủ sở hữu. Ở cấp độ Hiến pháp, quyền sử dụng đất với tư cách là một tài sản thì Điều 23, Hiến pháp hiện hành đã quy định: "Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định". 

Theo bà Lê Thị Nga, lý do "để phát triển kinh tế" là quy định quá rộng, dễ bị lạm dụng. Dẫn ví dụ tại Điều 40, Luật Đất đai quy định: "Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án lớn theo quy định của Chính phủ", nhưng đến nghị định và các văn bản hướng dẫn đã giải thích nội dung các dự án đầu tư lớn thành nhiều loại khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực trong đó có những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khả năng có thể tùy nghi giải thích lý do cần phải thu hồi. 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, ngoài phục vụ lợi ích công cộng, thu hồi đất phải bồi thường theo giá thị trường. Thực tế thời gian qua, việc bồi thường không thỏa đáng đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành, thu hồi đất của hàng ngàn người giao cho một số người rồi phân lô bán với giá cao gấp nhiều lần thì rất khó để người bị thu hồi đất chấp nhận.
 
Công dân có quyền bảo đảm cơ hội việc làm

Tại buổi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH ngày 14/3, các đại biểu lại đề cập sâu tới quy định về quyền con người, quyền công dân.

Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH TP Hà Nội Lê Toàn Khang cho rằng: Dự thảo dùng từ "mọi người" thay cho từ "công dân" để biểu thị quyền con người. Tuy nhiên, chữ "mọi người" bao hàm cả người mất quyền công dân, đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam là không hợp lý. Vì vậy, nên giữ nguyên từ "công dân" như cũ. Ngoài ra, Điều 34 ghi "mọi người có quyền tự do kinh doanh" nên bổ sung cụm từ theo quy định của pháp luật để thể hiện rõ việc kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.

Góp ý vào Điều 38 liên quan đến quyền của công dân trong lao động, làm việc, Phó Cục trưởng Cục việc làm Lê Quang Trung đề nghị: Tại khoản 1, Điều 38 đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân, công dân có quyền làm việc, được bảo đảm cơ hội việc làm, có quyền lựa chọn việc làm và nơi làm việc. Ở đây, nếu Dự thảo chỉ quy định công dân có quyền làm việc có thể hiểu họ có quyền thực hiện hoặc không thực hiện.