Thu hồi gần 80.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/1, tại Phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong đó, vấn đề xét xử, thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng được quan tâm.

 Phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng
Đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, kinh tế

Đánh giá về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, trước tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ trước. Toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh. Qua đó, góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm. Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ trước.

Cùng với đó, ngành Kiểm đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và phục vụ xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc. Một điểm đáng lưu ý là tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Nhấn mạnh công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng được đẩy mạnh, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Ngành Tòa án đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Người hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên hàng trăm, ngàn tỷ đồng

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với các báo cáo, tuy nhiên cho rằng, các ngành cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng. “Như việc thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ qua được gần 80.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ tạo sự phát triển, do đó cần làm rõ cho đại biểu thấy sự tăng, giảm so với nhiệm kỳ trước, qua đó toát lên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Làm rõ thêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, trước đây, thường sau khi có bản án mới thực hiện và làm được đến đâu hay đến đó. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này có một tinh thần mới trong cách làm xuất phát từ yêu cầu của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đó là ngay từ đầu, được thực hiện tích cực từ khâu điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục được tháo gỡ bằng việc ban hành các quy định hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Trí, vẫn phải ban hành được luật đăng ký tài sản, nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng. “Hiện kê khai tài sản chỉ có cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Người tham nhũng không bao giờ đứng tên tài sản cả mà là người ngoài xã hội. Có người hai mấy, ba mươi tuổi đứng tên tài sản vài trăm tỷ, ngàn tỷ đồng là có. Chúng ta biết hết nhưng không “đụng” vào được vì liên quan quyền sở hữu của công dân” – ông Lê Minh Trí nói. Đồng thời cho rằng, nếu có luật, khi đăng ký tài sản mà không chứng minh được còn có cơ sở pháp lý để xử lý, sẽ không còn chỗ “ẩn nấp” cho tài sản tham nhũng”.

Thống kê của TANDTC cho thấy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.