Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi táo Mỹ bị nhiễm vi khuẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sản phẩm thu hồi là toàn bộ táo Granny Smith và táo Gala được chuyển từ cơ sở đóng gói ở Bakersfield (Mỹ) năm 2014.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa nhận được cảnh báo từ Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm từ táo đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ vì bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.

Thông tin cảnh báo cho biết, ngày 6/1 vừa qua, Công ty Bidart Bros ở California (Mỹ) đã tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Granny Smith và táo Gala do kết quả kiểm tra môi trường đã kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.Các sản phẩm thu hồi là toàn bộ táo Granny Smith và táo Gala được chuyển từ cơ sở đóng gói ở Bakersfield (một thành phố thuộc quận Kern, tiểu bang California) trong năm 2014.

 
Táo Granny Smith của Mỹ (Ảnh Reuters).
Táo Granny Smith của Mỹ (Ảnh Reuters).
Tiếp theo đó, có 3 công ty tại Mỹ tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Caramel do có nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục để tìm ra các công ty khác liên quan.

Theo báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), tính tới ngày 9/1, đã có 32 người bị nhiễm Listeria monocytogenes trong vụ này, được ghi nhận trên 11 bang của nước Mỹ.

Trong số những người bị nhiễm, có 31 ca phải nhập viện và ít nhất 3 người đã tử vong, 10 ca trong số đó đang mang thai và 1 ca bị sảy thai. 25/28 người mắc được phỏng vấn có ăn sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn.

Còn theo thông tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), sản phẩm bị thu hồi đã được xuất khẩu sang Việt Nam và một số quốc gia: Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm nước ta đã tiến hành rà soát các sản phẩm bị cảnh báo và thông báo với doanh nghiệp nhập khẩu để kịp thời thu hồi sản phẩm liên quan (nếu có); chủ động theo dõi các ca ngộ độc thực phẩm có triệu chứng liên quan đến nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes để kịp thời ngăn chặn.

Đồng thời ngày 20/1 Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn khẩn tới Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đề nghị phối hợp rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tiếp tục giữ liên hệ với Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế để cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng trong nước.