Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút FDI Không thể chạy đua bằng ưu đãi thuế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam cần tập trung sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư để phù hợp với FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) thế hệ mới. Đây là kiến nghị được các diễn giả đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 10/7.

DN báo lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng!
Ưu đãi đầu tư là một công cụ chính sách hạn chế, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để công cụ này không ảnh hưởng đến các yếu tố khác như: Không làm thâm thủng ngân sách, biến dạng về kinh tế, bất bình đẳng thuế. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm ngoái cho thấy giai đoạn 2009 - 2015, 50% các quốc gia đang phát triển áp dụng các chính sách cơ chế về thuế mới ưu đãi hào phóng hơn. Với sự cạnh tranh thu hút FDI đang ngày càng gay gắt trong bối cảnh toàn cầu và dòng FDI đang giảm dần, thì việc ưu đãi bằng thuế và các ưu đãi khuyến khích đầu tư như giai đoạn 1 cần phải xem xét lựa chọn, làm sao để tối đa hóa hiệu quả, gắn với mục tiêu của kinh tế quốc gia...
Đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) kiến nghị cần cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN có dòng vốn FDI lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.
Số liệu phân tích báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2012 - 2016 cho thấy, số DN báo lỗ hàng năm từ 44 - 51%. Đặc biệt, năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng DN báo cáo. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế. “Tình trạng này cho thấy chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp” - Đại diện Cục Tài chính DN chia sẻ. Những đóng góp của DN FDI vào ngân sách Nhà nước hiện nay còn thấp, chưa xứng với nguồn tài nguyên sử dụng mà một trong những nguyên nhân do DN lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như thuế đất, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Xem lại chính sách ưu đãi FDI
Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá (EuroCham) Thomas McClelland: Hiện nay các chính sách ưu đãi của Việt Nam còn chồng chéo. Do đó cần phải tính toán lại, xây dựng lại chiến lược thu hút đầu tư FDI. Về thủ tục cần hỗ trợ đơn giản hóa các thủ tục đầu tư đặc biệt với những ngành nghề có điều kiện, phải có website để họ tìm hiểu ngay từ đầu, vì trong quá trình giúp DN thủ tục đầu tư tại Việt Nam, chúng ta chưa có mã ngành kinh tế. Cùng với đó, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến thu hút FDI, tạo thuận lợi cho tham tán thương mại trong quá trình quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư ra nước ngoài.
So với các nước trong khu vực, thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là tương đối cạnh tranh. Hiện thuế suất của Việt Nam đang là 20% cũng là một mức tương đối thấp trong khu vực, nếu nhìn sang các nước trong khu vực chỉ có Singapore là chưa bằng (17%). Vậy cạnh tranh bằng cách nào? Theo Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế (Deloitte) Bùi Ngọc Tuấn, trong chính sách ưu đãi đầu tư, ngoài chính sách về thuế, các nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm tới các lợi thế về ngành nghề/địa bàn, thủ tục cấp phép đầu tư có thuận lợi hay không...
Qua quá trình tư vấn cho các DN, Deloitte nhận thấy Myanmar được coi là những quốc gia có mức thu hút đầu tư rất hấp dẫn. "Tuy nhiên cơ sở hạ tầng, vận chuyển logistic, cảng biển…  không có sẽ không phù hợp” - ông Tuấn chia sẻ. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản có chính sách ưu đãi đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành nghề phát triển bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu, từ đó họ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, bền vững. “Singapore có thủ tục đơn giản có thể đăng ký online, hiện một số địa phương ở Việt Nam đã thử nghiệm nhưng với hoạt động sản xuất kinh doanh đơn giản, thông thường” - ông Tuấn nhận xét.
Với Việt Nam, ông Wim Douw - Chuyên gia cao cấp về Chính sách Đầu tư thuộc Nhóm WB cho rằng, cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả”. Trong bối cảnh Cách mạng 4.0, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn được đánh giá chưa hoàn thiện do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Việt Nam cần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra những lợi thế riêng trong thu hút đầu tư với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.