Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc huy động các nguồn vốn xã hội là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, do số lượng các dự án "hấp dẫn" ngày càng ít, sự bất hợp lý của các văn bản pháp luật khiến nhiều DN không mặn mà đầu tư phát triển HTGT. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào HTGT" diễn ra ngày 12/12.
Còn nhiều rủi ro
Theo đánh giá của các đại biểu, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển HTGT, đặc biệt là các dự án PPP (hợp tác công - tư) còn hạn chế và phân bố chưa đồng đều, bởi các nhà đầu tư tham gia các dự án chủ yếu là nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho rằng, Nhà nước, Bộ GTVT mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm khiến DN tham gia dự án gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn vốn cũng như trả lãi vay ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn vay, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chỉ ra một hạn chế cần phải thay đổi: Theo Luật Chứng khoán, DN có dự án mới được huy động vốn, nhưng theo Thông tư 166/2011/TT-BTC thì DN phải có vốn mới được giao dự án. Cũng theo bà Trâm, theo quy định hiện hành, giá phí được quy định trong hợp đồng nhưng không có tính chất ràng buộc để thực hiện. Mỗi khi có nhu cầu điều chỉnh để phù hợp với thực tế, DN lại phải trình các cơ quan có chức năng, nhưng việc được chấp thuận hay không thì nằm ngoài kiểm soát của DN.
Phải đảm bảo lợi ích các bên
Trả lời những thắc mắc của các DN, bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sở dĩ việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng HTGT còn gặp nhiều khó khăn do vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn; Năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết; Nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhiều công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến nên ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là HTGT cần phải được thúc đẩy để đưa đất nước tiến lên hiện đại hóa vào năm 2020. Hiện, Chính phủ đang khẩn trương xem xét để thông qua Nghị định PPP để huy động các nguồn lực tham gia phát triển HTGT. Cũng theo ông Thăng, trong quá trình thực hiện dự án PPP cũng có những khó khăn, rủi ro nên khi thực hiện cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - chủ đầu tư - người dân. Vì thế, cần có thể chế chính sách để gắn kết hài hòa các lợi ích trên. "Nếu chỉ có lợi ích của một bên thì khó và điều quan trọng là người dân thất vọng thì chủ đầu tư, nhà thầu cũng khó có thể thu phí" - ông Thăng nhấn mạnh.q
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Phạm Hùng
|