KTĐT - Ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra cùng với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan tham mưu của Bộ kiểm tra kết quả lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình trên xe ôtô.
Dưới sự giám sát của đại diện các cơ quan chức năng, trên hành trình từ Hà Nội đi Lạng Sơn, lái xe đã “thử vi phạm” và ngay lập tức bị cảnh báo.
Không chỉ có vậy, trong tình huống xảy ra sự cố về tai nạn giao thông, các thông số kỹ thuật lưu lại còn giúp dễ dàng dựng lại hiện trường, xác định nhanh tốc độ trước khi xảy ra va chạm, vết phanh, thời gian phanh để xe dừng lại, xi nhan bật hay tắt. Thiết bị giám sát hành trình trên xe hoạt động ổn định, ghi lại được các thông số về tốc độ, về số lần mở cửa, biểu đồ đường đi…
Thiết bị này kết nối với vệ tinh, được truyền tải qua mạng Internet nên doanh nghiệp, cơ quan quản lý vận tải có thể theo dõi ở nhiều địa điểm khác nhau, rất tiện lợi cho việc giám sát lý trình của phương tiện.
Đây là đợt thử nghiệm nhằm chuẩn bị chính thức áp dụng bắt buộc lắp đặt thiết bị này trên phương tiện vận tải theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Từ 1/7/2011, ôtô khách tuyến cố định có cự ly tuyến hơn 500km, xe chở khách du lịch, xe container bắt buộc phải lắp đặt thiết bị này.
Đến 1/1/2012, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên; xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Đến 1/7/2012, xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải có và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình.
Tại buổi thử nghiệm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phương tiện, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đánh giá cao lợi ích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các thiết bị đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quy định, đơn giản, dễ sử dụng, có tính bảo mật cao, lái xe không thể can thiệp, thay đổi số liệu…
Sau lần thử nghiệm này, Bộ Giao thông vận tải sẽ thống nhất với các bộ, ngành liên quan và ban hành thông tư hướng dẫn ngay trong tháng 7, hoặc đầu tháng 8 để triển khai áp dụng thuận lợi, đúng lộ trình đã được xác định.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thiết bị giám sát hành trình đã được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng, đem lại hiệu quả cao. Từ lâu, ở Việt Nam, tình trạng phương tiện chạy nhanh, chạy ẩu, dừng đỗ đón trả khách tùy tiện diễn ra trên khắp các tuyến giao thông, gây ra không ít vụ tai nạn thương tâm. Thiết bị này được xem là giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Bộ Công an và các bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu áp dụng cơ sở dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình để xử phạt vi phạm giao thông và điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn.