Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị có bài: “Thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ: Cao bất thường và bất hợp lý”, phản ánh mức thu phí tại dự án (DA) quá cao so với những gì chủ đầu tư đã thực hiện.
Mặc dù Bộ GTVT, chủ đầu tư DA đã nhiều lần trả lời về vấn đề này, tuy nhiên, ở bất kỳ thời điểm nào, những câu trả lời đó vẫn chưa đủ tính thuyết phục.
Khổ vì tương đương
Theo Bộ GTVT, trong những năm gần đây, ngành giao thông đã thu hút được hơn 200.000 tỷ đồng để đầu tư các DA giao thông. Có thể nói, đây là “điều thần kỳ” góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, đặc biệt là trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế. Thế nhưng, đằng sau “điều thần kỳ” mà ngành giao thông đã đạt được là không ít dấu hỏi lớn trong công tác quản lý của đơn vị này cũng như của chủ đầu tư.
Như đã biết, từ ngày 6/10, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư) đã tổ chức thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với mức thu 1.500 đồng/km (tính cho xe dưới 12 chỗ ngồi), mức phí tương tương với các tuyến cao tốc được xây mới có suất đầu tư cao hơn như Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình. Lý giải về mức thu này, ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp với chất lượng tương đương đường cao tốc. Do vậy, mức phí thu cũng phải tương đương các tuyến cao tốc khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, khái niệm “chất lượng tương đương đường cao tốc” và “mức phí tương đương các tuyến cao tốc khác” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bởi đường đã trở thành đường cao tốc hay chưa vẫn cần phải chờ câu trả lời.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chỉ thảm lại mặt đường và giảm độ dốc cho một tuyến đường dài 29km mà hết 1.974 tỷ đồng là điều vô lý. Thực tế cho thấy, những thắc mắc trên không phải là vô căn cứ. Bởi, cách đây không lâu, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong DA BOT Nghi Sơn – Cầu Giát trên tuyến QL1A do Bộ GTVT quản lý. Cụ thể, qua kiểm tra phát hiện, trong quá trình lập, thẩm định DA, chủ đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách gần 60 tỷ đồng. Đáng chý ý, với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng Bộ GTVT đã phê duyệt DA khi chưa đủ điều kiện, ký hợp đồng chính thức quá chậm, cho phép khởi công khi chưa đủ điều kiện pháp lý… gây lãng phí hơn 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây chỉ là những vi phạm đã bị phát hiện.
Đùn đẩy trách nhiệm?
Trước những phản ứng về việc phí cao tốc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ diễn ra trong thời gian qua, Bộ GTVT đã nhiều lần khẳng định, mức phí của tuyến đường nằm trong phương án tài chính của DA và tuân thủ đúng theo các quy định hiện hành đã được các cơ quan liên ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và các địa phương có liên quan thống nhất. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mức thu phí và thời gian thu phí là vấn đề do bộ chủ quản xác định với chủ đầu tư. Mức thu cao thì thời gian thu giảm và ngược lại. Cơ quan chủ quản và nhà đầu tư tính toán mức thu và thời gian thu hợp lý để nhà đầu tư thu hồi vốn. Tất cả các vấn đề này đều nằm trong hợp đồng BOT đã ký và phù hợp với các quy định liên quan.
Liên quan đến mức thu phí tại DA BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Thi cho biết, DA có 2 giai đoạn: Nâng cấp mặt đường để xe lưu thông đạt tới tốc độ 100km/giờ và sau đó mở rộng thêm 2 làn nữa để nâng tốc độ lên. Mức thu phí của DA này do Bộ GTVT đề xuất. Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, trách nhiệm của Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu dựa trên đề nghị của bộ chủ quản. Chỉ khi phát hiện có vấn đề, Bộ Tài chính mới có ý kiến. Như vậy có thể khẳng định, tình trạng thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cao bất thường, bất hợp lý có một phần trách nhiệm không nhỏ của Bộ GTVT – đơn vị chủ quản.
Theo Luật sư La Văn Thái - Công ty Luật Tầm nhìn & Thịnh vượng, Đoàn Luật sư Hà Nội, để xác định việc mức phí thu đã hợp lý hay chưa cần phải xem xét ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, theo các quy định, chỉ khi nào DA được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư mới được phép thu phí. Do đó, có thể khẳng định, chủ đầu tư tổ chức thu phí cho cả phần chưa triển khai, người dân chưa được thụ hưởng là điều bất hợp lý.
Thu tiền vé tại trạm thu phí KM 188+300, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
|