Thu phí cao tốc đầu tư công: Cần nhưng phải đúng và phù hợp

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thu phí cao tốc đầu tư công được lý giải nhằm tạo thêm nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc. Tuy nhiên, chủ trương này cần phải được nghiên cứu kỹ trên tinh thần “cần nhưng phải đúng và phù hợp”.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 nằm trong danh sách 9 tuyến cao tốc Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 nằm trong danh sách 9 tuyến cao tốc Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí.

Thu tiền đi cao tốc để làm cao tốc

Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện phương án đề xuất phương án thí điểm thu phí cao tốc đầu tư công để báo cáo Chính phủ xem xét trình cấp thẩm quyền thông qua vào cuối năm nay. Trước đó, cơ quan này đã gửi văn bản đến các bộ liên quan xin ý kiến về vấn đề này.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, sẽ việc thí điểm thu phí được thực hiện trên 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025. Đó là các tuyến cao tốc: TP Hồ Chí Minh – Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.

Đề xuất thí điểm thu phí đường cao tốc đầu tư công được Bộ GTVT nêu rõ trong dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến. Tại đây, Bộ GTVT đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường.

Bộ GTVT cho rằng, đây là việc làm cần thiết để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Bộ GTVT khẳng định, nếu không thu phí, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000 km cao tốc. Ước tính 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay, một số quốc gia có hệ thống đường cao tốc phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… thực hiện tổ chức thu tiền để thu hồi vốn và có nguồn cho việc quản lý, vận hành, bảo trì cũng như tái đầu tư các dự án mới. Đặc biệt, Nghị quyết 62/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ chủ trương hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của ngành GTVT vừa diễn ra cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã giao các đơn vị liên quan của bộ trong nửa cuối năm, phải sớm hoàn thiện phương án thu phí cao tốc đầu tư công để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.

Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, đây là nhiệm cấp bách, bức thiết, do thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác. Nhiệm vụ này sẽ được bộ đưa vào để đánh giá kết quả công việc của các lãnh đạo đơn vị hằng tháng.

Việc thu phí cao tốc đầu tư công cần nghiên cứu kỹ để chủ trương thực hiện đúng và phù hợp.
Việc thu phí cao tốc đầu tư công cần nghiên cứu kỹ để chủ trương thực hiện đúng và phù hợp.

Không được thương mại hóa tràn lan

Việc phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Xoay quanh vấn đề này có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại những hệ lụy sẽ phát sinh khi thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân sách Nhà nước được xây dựng từ tiền thuế của người dân đóng góp, giờ Nhà nước sử dụng tiền thuế đó để xây dựng đường giao thông (cụ thể ở đây là đường bộ cao tốc – PV) rồi lại tiếp tục thu phí cao tốc là không hợp lý. “Làm như thế không khác gì bắt người dân phải nộp 2 lần thuế cả. Như vậy sẽ làm tăng gánh nặng cho người dân và DN” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, câu chuyện nên hay không thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đã được nói đi nói lại rất nhiều trong những năm gần đây. Bản chất của vấn đề chính là việc nếu thu phí cao tốc đầu tư công sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí.

“Việc làm này không chỉ bất hợp lý, tạo áp lực lớn lên người dân, DN trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn mà còn ó thể dẫn tới phát sinh các chi phí khác kèm theo và khiến cho giá cả của hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển” – chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

 

Bộ GTVT nói thu phí để có nguồn đầu tư cao tốc khác và bảo trì đường là chưa đủ thuyết phục. Nếu không có nguồn đầu tư thì không nên đưa ra các kế hoạch như có 5.000 km cao tốc – Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh

Bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương thu phí cao tốc đầu tư công song TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, việc làm này cần phải được nghiên cứu và tính toán cẩn trọng về tỉ lệ và mức thu sao cho hợp lý.

“Tiềm lực kinh tế của chúng ta còn hạn chế, trong khi giao thông vẫn cần phải tiếp tục đầu tư cho nên phải có khoản thu như vậy” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói và không quên nhấn mạnh, hiện người dân đã và đang chịu quá nhiều loại phí nên mức thu phí đường cao tốc mà Nhà nước đầu tư phải thấp hơn mức bình thường khoảng 20 - 30% và phí đường bộ phải giảm đi.

TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông cũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn như hiện nay thì việc thu phí từ các tuyến cao tốc đầu tư công sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách. Bởi nguồn ngân sách dùng để đầu tư làm đường cao tốc luôn rất lớn. Khi thực hiện thu phí cao tốc đầu tư công, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc trả phí hoặc đi đường khác không mất tiền. Điều này tùy thuộc vào nhu cầu của từng người.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông này nhấn mạnh,  mức phí phải được xem xét cân đối với lưu lượng giao thông, khả năng chi trả, mong muốn chi trả của người dân tại từng thời điểm cũng như cân nhắc về mức phí giữa tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư với trạm BOT đầu tư chạy song hành, có khả năng chia khách

“Năm nay có thể thấp, những năm sau có thể điều chỉnh cao lên, tùy theo tình hình phát triển kinh tế, nhưng phải có những hạn mức nhất định, không thể tùy ý thay đổi với biên độ quá lớn” – TS Phan Lê Bình gợi ý.

 

“Nên lưu ý rằng chúng ta làm đường là để phục vụ Nhân dân, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Chúng ta không nên thương mại hóa tràn lan. Ai có tiền thì đi đường cao tốc phải trả thêm phí. Còn lại đi đường QL, chất lượng có thể xấu hơn một chút nhưng phù hợp với túi tiền”  - TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông