Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Cao bất thường và bất hợp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 6/10 vừa qua, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư) đã tổ chức thu phí tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với mức thu 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đây là mức thu quá cao so với số vốn mà chủ đầu tư đã bỏ ra xây dựng, cải tạo đường.

Chủ đầu tư “chặt chém”

Theo các chuyên gia, việc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được phép thu 1.500 đồng/km là điều bất hợp lý. Bởi tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 của dự án là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới. Và nếu làm một phép tính đơn giản thì để cải tạo 1km trên tuyến, chủ đầu tư chỉ phải bỏ ra hơn 68 tỷ đồng (tuyến đường dài 29km). Trong khi đó, tại những tuyến đường cao tốc được xây dựng mới có suất đầu tư cao hơn rất nhiều, như cao tốc Nội Bài - Lào Cai là hơn 80 tỷ đồng/km; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là hơn 179 tỷ đồng/km, mức thu cũng chỉ 1.500 đồng/km.
Đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn chạy qua huyện Thường Tín. 	Ảnh: Phạm Hùng
Đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn chạy qua huyện Thường Tín. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, đây là điều bất hợp lý. Cũng theo ông Liên, việc các cơ quan Nhà nước cho phép DN đầu tư ít, thu tiền phí cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân, hoạt động của các DN vận tải. “Hiện, chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh của các DN vận tải về tình trạng “chặt chém” trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, và nhiều DN cho biết sẽ tăng giá cước vận tải để bù lỗ, thậm chí là tìm đường quay trở lại hoạt động trên QL1A cũ” - ông Liên cho biết. Thực tế, không chỉ bị “móc túi”, các phương tiện khi hoạt động trên tuyến cũng chỉ được phép di chuyển dưới 100km/giờ (cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120km/giờ).

“Đừng để dự án BOT thành nơi chia chác”

Trở lại thời điểm khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2015 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) cho rằng, việc cho phép nhà đầu tư thu phí ở mức 1.500 đồng/km ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT thông qua và quyết định ngay từ khi ký hợp đồng. Đồng thời cho biết, trong giai đoạn 1, dù dự án chỉ nâng cấp trên tuyến cũ nhưng nhà đầu tư đã phải bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng để GPMB chuẩn bị mở thêm 2 làn đường của giai đoạn 2. Do đó, nếu không cho thu 1.500 đồng/km thì nhà đầu tư không có khả năng hoàn vốn. Cũng theo ông Bình, việc cho phép thu cao ngay từ đầu cũng đồng nghĩa với việc thời gian thu phí của đơn vị sẽ được rút ngắn xuống còn hơn 17 năm (theo dự kiến ban đầu là 23 năm - PV).

Tuy nhiên, trước những lập luận này, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT và những đơn vị có liên quan đừng coi người dân là những cái máy rút tiền. Bởi, các nhà đầu tư khi đấu thầu dự án BOT phải chứng minh được khả năng tài chính của mình và các cơ quan có chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra điều đó. Không thể vì tạo điều kiện cho DN hoàn vốn nhanh, có tiền thực hiện tiếp dự án mà bắt người dân phải đóng phí cao, đóng trước cho những phần dự án chưa triển khai và họ chưa được hưởng. Thậm chí, nhiều người cho rằng, với việc cho phép nhà đầu tư thu phí cao ngay từ đầu các cơ quan chức năng dường như đang khuyến khích những DN “tay không bắt giặc”; thương mại hóa hạ tầng giao thông như cách mà các DN bất động sản đang thực hiện (làm xong móng, huy động tiền của khách hàng để xây tiếp - PV).

Việc quy định mức thu, chế độ thu phí sử dụng đường bộ không phải là việc một đơn vị, hay một bộ, ngành nào có thể tự mình quyết định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà những quyết định gây bức xúc trong dư luận, thậm chí là nghiêng về phía chủ đầu tư vẫn được ban hành, thông qua. Do đó, để đảm bảo tính công bằng giữa các chủ đầu tư BOT, cuộc sống của người dân, các đơn vị có chức năng cần xem xét, điều chỉnh lại mức thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Và quan trọng hơn, nó sẽ thêm một lần nữa khẳng định điều mà Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng tuyên bố đối với chủ đầu tư dự án BOT Bắc Bình Định: “Dự án BOT không phải là nơi để các ông vào làm tiền, chia chác nhau”.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng và được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến. Giai đoạn 2, tiếp tục mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới. Bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng, mức đầu tư 4.757 tỷ đồng.